Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Sâu nặng với văn hoá dân gian

11:01, 21/09/2014
Mọi người biết đến ông Đặng Quang Liễn (Diễn Thọ - Diễn Châu) là nhà nghiên cứu Hán Nôm và văn hóa dân gian. Khi về hưu, ông tự mày mò học Hán Nôm, nghiên cứu thêm lịch sử, địa lý, dân tộc học, ngôn ngữ học, đồng thời học thêm vi tính để tiện cho việc lưu giữ các văn bản….
 
Văn hóa dân gian tồn tại và phát triển gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng của quần chúng lao động. Để phục vụ cho công việc sưu tầm, nghiên cứu, ông rong ruổi khắp làng quê tìm dịch những văn bia, câu đối, sắc phong, phong tục tập quán, nghi thức, ca dao tục ngữ, địa chí làng xã… Số lượng bia qua các thời kỳ khá nhiều, qua thời gian hầu như bị mờ, rêu phong phủ kín nhưng ông cần mẫn lần mò, khui ra từng chữ… Ông bỏ công ra dịch, giải thích, về truyền thống tiên tổ, công trạng, quá trình lập làng, xây đình, lịch sử việc học hành, khoa bảng… cho người dân, con cháu các dòng họ nghe. Từng lời giảng giải của ông giúp họ vỡ ra nhiều điều, thêm yêu, thêm quý gốc tích của mình, tự hào về quê hương, làng xã. Điều đó đã thôi thúc ông nối dài những chuyến đi. Và khi dịch hết được các văn bia ở Diễn Châu, ông lại rong ruổi khắp các huyện như Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương để dịch.
 
Cẩn trọng, miệt mài, 3 năm ròng cuốn “Văn bia xứ Nghệ”, dày gần 600 trang của nhóm tác giả Đặng Quang Liễn, Thái Doãn Chất và  Đào Tam Tỉnh ra đời. Các văn bia được phiên âm, dịch nghĩa, chú thích một cách cẩn thận. Đây là cuốn dịch văn bia duy nhất hiện nay ở Nghệ An được xuất bản. 
 
Dân ca thường là đặc trưng văn hóa của cả một vùng, miền nhưng thật đặc biệt, bởi làng Nho Lâm quê ông có riêng một làn điệu hát Reo. Trước đây làng Nho Lâm có nghề khai thác và đúc quặng sắt. Làng có hẳn một phường củi cỏ hàng trăm người chuyên đi lấy củi trong các cánh rừng ở dãy Đại Vạc về làm nhiên liệu nấu sắt. Để động viên nhau trong lao động sản xuất, phường củi cỏ đã sáng tạo ra một điệu hát dân gian, được đặt tên là hát Củi Cỏ, hay còn gọi là hát Reo. Khi mặt trời ngả về chiều, những đoàn người gánh củi trên vai vừa chạy vừa hát suốt chặng đường về. Mỗi người hát một câu, người trước truyền người sau cho đến hết bài hát. Sau mỗi bài kết thúc họ thổi tù và và hò reo inh ỏi khắp núi rừng, xua đi nỗi sợ hãi và mệt nhọc. Làn điệu hát Reo quen thuộc đã một thời âm vang khắp ngàn Đại Vạc, nhưng giờ đây đang dần chìm vào quá khứ. Những người biết hát Reo giờ chỉ còn lại cụ Hoàng Kim Kha và cụ Nguyễn Thị Em đã 94, 95 tuổi. 
 
Không muốn hát Reo chìm vào quên lãng, ông đã dày công sưu tầm, nghiên cứu để lưu lại điệu hát cổ của làng. Phải mất 2 năm ông mới hoàn thành được cuốn: “Làn điệu hát Reo”. Công trình này được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải A. Sách được in 2000 cuốn và công bố rộng rãi trong cả nước. 
 
Ông Đặng Quang Liễn đang dịch văn bia.
Ông Đặng Quang Liễn đang dịch văn bia.
 
Sức hút mạnh mẽ của văn hóa dân gian thôi thúc ông điền dã, sưu tầm, nghiên cứu… Biết bao sông núi, bao đền chùa, miếu mạo, làng nghề truyền thống có in dấu ấn lịch sử, dấu ấn văn hóa; những chuyện kể dân gian, phong tục, tập quán, từ món ăn dân dã, lối sinh hoạt của người xưa… được ông ghi chép, làm “sống lại”. Kho tàng văn hóa dân gian với tầng tầng lớp lớp những con người và sự kiện, Đặng Quang Liễn đã say mê “đãi cát tìm vàng”. Và ông đã tìm được những hạt vàng dù rất nhỏ nhưng cũng đủ làm sáng lên, làm lấp lánh tâm hồn người đất Diễn.
 
N hững nghiên cứu của ông đã được đánh giá thẩm định, ông đã có 30 đầu sách in chung với các đồng nghiệp khá toàn diện về văn hóa dân gian như cuốn: văn hóa, văn nghệ, địa chí văn hóa và làng xã, kho tàng chuyện kể dân gian xứ Nghệ, làng  nghề thủ công truyền thống… đã đoạt các giải Nhất, Nhì của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Các công trình in riêng như:  “Cụ Hoàng Nho Lâm”, “Văn hóa Nho Lâm” của Đặng Quang Liễn được Trung ương Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải A. Đặc biệt cuốn “Diễn Châu địa chí, văn hóa làng xã” được ông nghiên cứu một cách toàn diện và trở thành tài liệu quý giá, được chính quyền các địa phương rất trân trọng.
 
Ông Đào Tam Tỉnh – Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An cho rằng: “Thầy Liễn là người có lòng đam mê nghiên cứu về địa phương học. Trong quá trình tham gia Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, thầy có đóng góp rất nhiều trong việc nghiên cứu sưu tầm và tham gia biên soạn những công trình do Hội Văn nghệ dân gian chủ trì”.
 
Ở tuổi 80, ông Đặng Quang Liễn vẫn dồi dào bút lực. Ẩn sau vẻ trầm lặng, giản dị, khiêm nhường, là một trí tuệ, đam mê và khát vọng lớn lao không ngừng tìm kiếm giá trị văn hóa cội nguồn. Không một học hàm, học vị nhưng người Diễn Châu luôn coi Đặng Quang Liễn là một “bảo tàng sống” về văn hóa dân gian…
 
(Theo Báo Nghệ An)