Trong những năm vừa qua, tại nhiều di tích, danh thắng xuất hiện các hiện vật lạ bài trí trong khuôn viên bảo vệ di tích và trong nội tự như sư tử đá, hổ đá, lọ lục bình, hoành phi câu đối, tượng... Việc tiếp nhận các hiện vật trên khi chưa có cơ sở khoa học, chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền, không có trong hồ sơ xếp hạng di tích, một số loại hiện vật còn không phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục VN, làm phá vỡ cảnh quan, sai lệch yếu tố gốc của di tích, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa.
Để chấn chỉnh việc này, Bộ VHTT&DL ban hành công văn 2662 về không sử dụng biểu tượng, linh vật không phù hợp thuần phong mỹ tục, mới đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thanh tra Bộ cũng đã có văn bản hướng dẫn việc thực hiện công văn 2662. Việc ban hành các văn bản này cho thấy bước đầu có sự phối hợp đồng bộ nhằm loại bỏ các hiện vật lạ trong các di tích (nhất là di tích đã được xếp hạng) nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam.
Đôi sư tử đá trước cửa chùa Gia Quất này là đôi đầu tiên được di dời sau công văn 2662.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật
Trong công văn của mình, Thanh tra Bộ đề nghị Thanh tra Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ báo cáo giám đốc Sở bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra quý IV năm 2014 và kế hoạch năm 2015, phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thanh tra, kiểm tra các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng đã được xếp hạng trên địa bàn, phát hiện các hiện vật lạ bài trí trong di tích mà chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền, không có trong hồ sơ xếp hạng di tích, không phù hợp với truyền thống văn hóa và thuần phong mỹ tục VN, yêu cầu chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích, thủ nhang, sư trụ trì đưa các hiện vật lạ ra khỏi di tích và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Văn bản yêu cầu Thanh tra các Sở gửi kết quả kiểm tra, xử lý về Thanh tra Bộ để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL.
Giáo hội Phật giáo VN yêu cầu di dời “hiện vật lạ” ra khỏi nơi thờ tự
Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa ra công văn yêu cầu các nơi thờ tự, tự viện trong cả nước không bài trí và di dời các tượng sư tử đá, các linh vật khác không phù hợp với mỹ thuật truyền thống Việt Nam ra khỏi các cơ sở thờ tự.
Theo đó, Ban thường trực, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu Ban Văn hoá TƯ GHPGVN, Ban trị sự GHPGVN các tỉnh, thành yêu cầu trụ trì các chùa, cơ sở tự viện (đặc biệt là các di tích lịch sử, văn hoá đã xếp hạng) chủ động tổ chức di dời và không bài trí các tượng sư tử đá và các linh vật không đúng với mỹ thuật truyền thống Việt Nam ra khỏi cơ sở thờ tư, tự viện, Phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh để có nơi di chuyển đến và xử lý.
Giáo hội Phật giáo cũng yêu cầu trụ trì các chùa, cơ sở tự viện không tiếp nhận công đức tượng sư tử đá, biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Nếu cơ sở thờ tự, tự viện nào có nhu cầu bài trí linh vật biểu tượng cần phải liên hệ với Ban Văn hoá Trung Ương GHPGVN để được hướng dẫn cụ thể về hình tượng và cách bài trí theo đúng truyền thống trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Đồng thuận vì bản sắc văn hóa Việt Nam
Vấn đề sư tử đá và các hiện vật không phù hợp tràn lan trong di tích đã diễn ra từ lâu nay, chuyên gia, dư luận và báo chí đã lên tiếng nhiều nhưng đây là lần đầu tiên vấn đề được các cơ quan chức năng tiến hành bài bản và đồng thuận.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên cho biết: “Trong kế hoạch của chúng tôi, từ nay đến tháng 11 Âm lịch của năm Giáp Ngọ thì chúng ta làm công tác tuyên truyền, thuyết phục. Tháng 12 Âm lịch, chúng ta đồng loạt ra quân đưa các hiện vật lạ ra khỏi di tích trước Tết Nguyên Đán để sang năm mới chúng ta có những nơi thờ tự mang đầy đủ giá trị của văn hoá Việt Nam”. Và đó cũng là mong mỏi của những người yêu di sản văn hóa./.
(Theo VOVnews)