Hãy trả lại không gian cho DTLS Thành Vinh
Theo phản ánh của người dân, nhiều năm nay, đường đi tại phía Bắc cổng Hữu - Thành Cổ đã bị hộ gia đình bà Phạm Thị Hường khối 3, phường Cửa Nam lấn chiếm và rào chắn. Phần diện tích lấn chiếm được hộ gia đình bà Hường lợp mái tôn và chiếm dụng làm nơi rửa ô tô, xe máy.
Làm việc với chính quyền, chúng tôi được biết, hộ bà Phạm Thị Hường làm nhà ở từ năm 1980 và đến năm 2005, gia đình bà được UBND TP Vinh cấp giấy CNQSD đất, liền kề với bờ tường cổng Hữu với tổng diện tích hơn 259m2. Do việc cấp giấy sử dụng đất chưa đảm bảo đúng quy định, đến ngày 12/12/2013, UBND TP Vinh đã ra quyết định thu hồi, hủy bỏ bìa đất này.
Năm 1998, Thành Cổ được công nhận là di tích lịch sử Thành Vinh. Theo người dân nơi đây, ngoài lối đi chính giữa thì cũng như cổng Tiền và cổng Tả, ở cổng Hữu cũng có đường đi về cả hai bên. Thế nhưng, trong hồ sơ di tích lập năm 1995 lại xác định không còn con đường này. Trong khi đó, hộ bà Hường đã được UBND phường Cửa Nam cấp đất làm nhà trước thời điểm di tích được công nhận.
Điều đáng nói là, từ khi được công nhận di tích đến nay thì Thành Cổ vẫn chưa được cơ quan nào công khai, cắm mốc khoanh vùng bảo vệ theo quy định. Chính vì vậy, đã để xảy ra tình trạng xâm hại, lấn chiếm di tích tại phía Bắc cổng Hữu Thành Cổ như hiện nay. Chị Trần Thị Mỹ Hạnh- Trưởng ban QL di tích danh thắng cho biết: Do không có kinh phí nên chỉ thực hiện trên giấy tờ chứ không khoanh vùng, cắm mốc trên thực địa.
Để trả lại đường đi phía Bắc cổng Hữu, phục dựng lại đúng di tích Thành Cổ, thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân, TP Vinh đã có chủ trương bồi thường, tái định cư cho gia đình bà Phạm Thị Hường. Tuy nhiên, đến thời điểm này, TP vẫn chưa lập phương án chi tiết và chưa thực hiện bồi thường GPMB, tái định cư theo quy định. Vì vậy, mặc dù nhà cửa xuống cấp, hư hại nặng nề nhưng gia đình bà Hường vẫn không dám sửa chữa, xây dựng kiên cố vì nằm trong vùng quy hoạch.
Rõ ràng, những bất cập trong công tác quản lý đất đai đã dẫn tới hệ lụy không hề nhỏ. Di tích bị lấn chiếm, xâm hại, người dân lại không an cư lạc nghiệp. Điều 13, chương 1 của Luật Di sản Văn hóa đã quy định rất rõ: nghiêm cấm các hành vi chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa; hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa; xây dựng trái phép; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử văn hóa.
Thiết nghĩ, để giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp đất đai, xâm hại di tích như hiện nay, TP Vinh cần sớm có các giải pháp bảo vệ di tích đã được công nhận, trước hết đẩy nhanh tiến độ tái định cư, hạn chế các nguy cơ xâm hại di tích.
(Hiến Chương)