Để dân ca, ví giặm Nghệ Tĩnh bay xa
Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO vinh danh
Sinh ra trong một gia đình nông dân, từ thủơ còn nằm nôi, ông Nguyễn Trọng Đổng ở xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương đã được đắm mình trong những lời ca, điệu ví của một vùng quê nghèo. Khác với bạn bè cùng trang lứa từ thưở chăn trâu cắt cỏ Trọng Đổng đã mê mẫn với các cuộc hát ví hát dặm. Khi huyện có chủ trương thành lập câu lạc bộ Dân ca - lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh đã chọn Thanh Chương làm điểm chỉ đạo.
Ông Nguyễn Trọng Đổng truyền dạy dân ca, ví dặm cho các học trỏ nhỏ |
Ở tuổi 83 nhưng ông Đổng vẫn miệt mài với cương vị chủ nhiệm CLB Dân ca huyện, tích cực cộng tác cùng ngành giáo dục Thanh Chương đưa dân ca vào trường học, say sưa giúp địa phương, nhà trường tổ chức và duy trì hoạt động các CLB dân ca cơ sở. Khi biết Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam chính thức được vinh danh là “Di sản văn hoá phi vật thể” đại diện của nhân loại, với nghệ nhân Nguyễn Trọng Đổng bên cạnh niềm vui, tự hào còn phải gắn liền với trách nhiệm.
Thời gian qua, việc xây dựng các mô hình CLB Dân ca xứ Nghệ là một trong những cách làm có hiệu quả để bảo tồn, phát triển ví, dặm Nghệ - Tĩnh trong nhân dân. Các CLB đó đã được nuôi dưỡng bằng chính niềm đam mê cháy bỏng của những người dân lao động chân chất. Đây cũng chính là mô hình mà chính quyền địa phương các cấp nhân rộng. Cùng với việc sưu tầm, nghiên cứu các thể loại dân ca ví, dặm thì các hình thức biểu diễn, truyền dạy… cũng đã góp phần to lớn trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị của loại hình văn hóa đặc sắc này. Mỗi nghệ sỹ, diễn viên kể cả chuyên nghiệp và nghiệp dư cần làm tốt vai trò của một tuyên truyền viên tích cực, chắp cánh cho các làn điệu dân ca ví, dặm xứ Nghệ lan tỏa khắp mọi miền đất nước.
Tái hiện không gian diễn xướng của Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh |
Cội rễ của dân ca Nghệ Tĩnh là từ nhân dân. Những làn điệu dân ca bắt nguồn từ những người nông dân chân lấm tay bùn quanh năm trên đồng ruộng; từ các mẹ, các chị quay tơ, dệt vải… Do đó, dân ca mang những tình cảm, cốt cách và linh hồn của người Nghệ. Theo ước tính có khoảng 15 điệu ví, 8 điệu dặm được gọi tên theo bối cảnh cuộc sống, lao động, nghề nghiệp.
Hội thi Tiếng hát Dân ca, ví, dặm Nghệ Tĩnh HS bậc trung học năm 2014 |
Năm 2011, Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca hò, ví, dặm xứ Nghệ đã diễn ra tại TP. Vinh, nhằm khẳng định những nét chủ yếu, cơ bản của dân ca, ví, dặm và hò xứ Nghệ để thấy rõ những giá trị tốt đẹp – đề nghị UNESCO vinh danh Dân ca, ví, dặm xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Bên cạnh đó, các kỳ liên hoan hát dân ca đã được tỉnh tổ chức. Dành được danh hiệu đã khó, giữ và phát huy được danh hiệu còn khó hơn. Làm gì cho dân ca ví dặm sau khi được tôn vinh là điều mà ngành văn hóa của tỉnh nhà phải trăn trở. Ông Hồ Mậu Thanh - Giám đốc Sở VH, TT&DL Nghệ An cho biết: Trước hết phải tổ chức được lễ tôn vinh di sản này. Sau đó, tiếp tục điều tra, khảo sát, tổng hợp tất cả các làn điệu dân ca cổ. Ngành văn hoá phối hợp với ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh việc đưa dân ca vào trường học. Bên cạnh đó, sẽ phát động phong trào toàn dân hát dân ca để dân ca thấm đẫm trong đời sống đương đại.
Đoàn Việt Nam trong thời khắc UNESCO vinh danh Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh là DSVH nhân loại |
Những năm gần đây dân ca Nghệ Tĩnh đã thực sự được người dân đón nhận. Và hiện nay, dân ca xứ Nghệ đã và đang có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng, thật sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với rất nhiều tầng lớp nhân dân. Dân ca, ví, dặm xứ Nghệ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là cơ hội tốt để ví dặm phát triển bền vững trong lòng nhân dân, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ… Tuy nhiên, để làm được điều này rất cần ý thức trách nhiệm của mỗi một người dân xứ Nghệ và sự đồng hành của chính quyền, ban ngành các cấp để bảo tồn, lưu giữ và phát triển những giá trị tốt đẹp của loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
(Bài: Bùi Thọ - Duy Thanh; Ảnh: Kim Bảo)