Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An gìn giữ và phát huy dân ca, ví, dặm

19:12, 24/11/2014
(truyenhinhnghean.vn) Với hơn 40 làn điệu và luôn được phát triển, sáng tạo, dân ca, ví, dặm hiện hữu trong cuộc sống lao động, sinh hoạt văn hóa của người dân xứ Nghệ từ xưa đến nay. Và sự kiện Unesco tổ chức kỳ họp thứ 9 để xem xét và công nhận dân ca, ví, dặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là thêm một cơ hội tôn vinh các di sản văn hóa

 

Những làn điệu dân ca ví, dặm bắt nguồn từ những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn; từ các mẹ, các chị quay tơ, dệt vải… Và các làn điệu ấy chính là nơi người dân xứ Nghệ gửi gắm tình cảm của mình với quê hương, đất nước và con người.

 

Một buổi luyện tập của CLB Dân ca ở huyện Thanh Chương

 

Xuất phát từ lao động nên với mỗi một loại hình lao động tương ứng, dân ca, ví, dặm đều có những làn điệu, câu hát với đặc trưng riêng, phù hợp với từng ngành nghề. Trong những năm qua, các câu lạc bộ dân ca, ví, dặm được thành lập và đã phát huy hiệu quả trong công tác bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này. Theo thống kê, hiện 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có 51 câu lạc bộ dân ca ví, dặm với sự tham gia sinh hoạt của hơn 800 nghệ nhân. Thông qua các kỳ liên hoan, hội diễn, các CLB này cũng đã dần hoàn thiện tổ chức và hoạt động thường xuyên.

 

Để bảo tồn và phát huy tiếng hát dân ca, Nghệ sỹ nhân dân Hồng Lựu –  Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Dân ca xứ Nghệ cho rằng: Các nghệ nhân đóng một vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy tiếng hát dân ca. Hiện nay, các nghệ nhân lớn tuổi của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cứ mai một dần, do vậy, cần có cơ chế  chính sách cho các nghệ nhân để phát huy vai trò của họ trong công tác bảo tồn.

 

Hát đối của các diễn viên trẻ xã Kim Liên, Nam Đàn

 

Xác định việc bảo tồn, phát huy dân ca các vùng miền, trong đó,dân ca, ví, dặm Nghệ Tĩnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng nên những năm qua, ngoài sự nỗ lực giữ lửa của đội ngũ văn nghệ sỹ chuyên nghiệp, các nghệ nhân, thì ngành giáo dục - đào tạo Nghệ An cũng đã phối hợp với Phòng Văn hoá thông tin và Trung tâm văn hoá - thể thao các huyện, thị triển khai đề án “Đưa dân ca vào trường học”.

 

 

 

 

Được triển khai từ năm 1998 đến nay, hoạt động này đã được đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh và ngay cả các bậc phụ huynh ở các trường học trên địa bàn tỉnh đón nhận và hưởng ứng tích cực. Điều này không chỉ góp phần giữ gìn và bảo tồn loại hình văn hóa đặc sắc này mà còn khơi dậy từ các em học sinh tình yêu đối với văn hóa truyền thống, với câu hò điệu ví quê hương. Em Phan Mạnh Cường- Lớp 12 C8 Trường THPT Nam Đàn 1 chia sẻ: Việc tổ chức hát dân ca trong trường học và các cuộc thi này là để bảo tồn nét đẹp và văn hóa của quê hương. Em thấy tiếng hát ví, dặm của quê hương rất hay.

 

Hội thi Tiếng hát Dân ca, ví, dặm Nghệ Tĩnh HS bậc trung học năm 2014

 

 

Với mục tiêu khuyến khích, khơi dậy phong trào dạy và học hát dân ca trong các nhà trường, góp phần vào bảo tồn phát huy di sản dân ca, ví, dặm xứ Nghệ, năm 2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp các ngành liên quan tổ chức Hội thi Tiếng hát dân ca Ví Giặm học sinh bậc trung học”. Hội thi đã thu hút và tạo được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Ngành sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh để có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các nhà trường, các đội văn nghệ;  bổ sung thêm các giáo viên có trình độ, có chuyên môn trong dạy hát dân ca. Từ đó, đưa tiếng hát dân ca vào trường học trở thành nhiệm vụ thường xuyên.

 

Hội thảo Quốc tế về Bảo tồn dân ca, ví, dặm Nghệ Tĩnh trong cuộc sống đương đại

 

Dân ca, ví, dặm Nghệ Tĩnh từ lâu được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân xứ Nghệ. Từ khi ra đời cho đến nay, dân ca, ví, dặm như một cuốn sách ghi lại đời sống tinh thần vô cùng phong phú của người dân xứ Nghệ, thể hiện cốt cách, tâm hồn người dân ở mảnh đất miền Trung đầy nắng gió này. Một tri thức bản địa của cộng đồng về mối quan hệ với môi trường sống, môi trường sinh thái tự nhiên và môi trường xã hội được thể hiện bằng một phương thức riêng, có ca từ, âm vần và nhạc điệu, được thẩm thấu, sàng lọc và cô đọng qua nhiều năm, nhiều thế hệ…

 

Liên hoan dân ca, ví, dặm xứ Nghệ năm 2012

 

 

Việc dân ca, ví, dặm Nghệ Tĩnh được xem xét là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại kỳ họp thứ 9 của Unesco lần này cũng nhắc nhở mỗi người dân xứ Nghệ có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.

 

(Mai Hương)