Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

UNESCO xét duyệt hồ sơ Di sản ví, giặm của Việt Nam

07:31, 27/11/2014
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh nằm trong 36 hồ sơ được hội đồng xét duyệt của UNESCO đánh giá cao.

 

Tiếp theo việc xem xét công nhận các di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, ngày 26/11, Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO bắt đầu xem xét công nhận các di sản trong danh sách đại diện của nhân loại. Đến nay, Việt Nam có 6 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 2 di sản thuộc danh sách cần bảo vệ khẩn cấp.

 

Theo quy trình, từng hồ sơ sẽ được xem xét, nghe nhận xét của hội đồng xét duyệt và toàn thể Ủy ban liên chính phủ. 

 

 

Đĩa và sách giới thiệu Ví, giặm Nghệ Tĩnh

 

Theo GS TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, một thành viên nhóm xây dựng hồ sơ ví, giặm, việc đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt.

 

Hồ sơ được xây dựng với số lượng câu chữ ngắn gọn, xúc tích, nêu bật giá trị của di sản; băng hình và 10 bức ảnh đặc trưng, kiểm kê các hoạt động khoa học về di sản và nhiều tài liệu khác.

 

Riêng hồ sơ ví, giặm được xây dựng trong khoảng thời gian 2 tháng và đệ trình vào tháng 3/2013 và tiếp sau đó, diễn ra nhiều hoạt động hội thảo khoa học, sân khấu hóa dân ca ví, giặm tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

 

Hồ sơ Dân ca ví, giặm của Việt Nam đệ trình UNESCO nêu rõ “loại hình nghệ thuật này phổ biến trong đời sống của các cộng đồng xứ Nghệ, được hát trong hầu hết mọi hoạt động đời thường, từ ru con, dệt vải, trồng lúa... Lời ca của dân ca ví, giặm ca ngợi những giá trị sâu sắc và truyền thống như sự tôn trọng với các bậc cha mẹ, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác cũng như ngợi ca đức tính thật thà và cách cư xử tử tế giữa con người với con người...”.

 

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên làm Trưởng đoàn tham dự kỳ họp lần này, gồm đông đảo các chuyên gia UNESCO, chuyên gia về di sản văn hóa của Việt Nam, đại diện hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

 

(Theo VOVnews)