Lần đầu tiên xác định đầy đủ tầng văn hóa Hoàng thành Thăng Long
Theo hai đơn vị tổ chức là Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long và Viện Khảo cổ học, thông qua cuộc khai quật này, lần đầu tiên xác định được các dấu tích kiến trúc ở trục Trung tâm có niên đại kéo dài từ thời Lý đến thời hiện đại. Trong đó, đã bước đầu làm xuất lộ dấu tích kiến trúc lớn thời Lý như móng kiến trúc, móng tường, sân gạch và đặc biệt là đường nước lớn.
Một mặt, các nhà khảo cổ cũng bước đầu xác định được một phần không gian Chính điện Kính Thiên ở khu vực Trung tâm như Ngự đạo, sân Đan Trì, móng kiến trúc (hành lang), đặc biệt các di tích này đều xác định rõ hai giai đoạn Lê Sơ và Lê Trung Hưng chồng xếp lên nhau. Riêng dấu tích kiến trúc thời Trần nhiều nhưng bị phá hủy nghiêm trọng.
Các di vật cũng phong phú với số lượng lớn là loại hình vật liệu kiến trúc so với đồ sành và gốm sứ. Đáng chú ý là ngói men xanh, vàng thời Lê sơ xuất hiện nhiều ở các hố thám sát.
Theo giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, quá trình khai quật khảo cổ khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long dựa trên cơ sở những lần khai quật từ năm 2011 đến nay và thực hiện theo hướng từ Nam đến Bắc, từ Đông sang Tây.
Diện tích khai quật hiện nay còn ít nên cần mở rộng để có những nhận thức tổng thể, tránh phán đoán. Trong khi đó, đặc trưng của di tích rất phức tạp, nhìn từng tầng rất khó nên yêu cầu của các cơ quan liên quan là vừa khai quật, vừa bảo tồn.
Kết quả khai quật không chỉ làm rõ các tầng văn hóa mà quan trọng hơn phải giải quyết được hai vấn đề cơ bản. Thứ nhất, Trung tâm Cấm thành ở đâu và giải pháp trên cơ sở khoa học để làm rõ mối tương quan giữa trục Trung tâm và khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Thứ hai, có nhận thức toàn diện, tổng thể, cụ thể về cấu trúc của Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng kết quả thu được của lần khảo cổ này mới là những viên gạch đầu tiên.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long và Viện khảo cổ học kiến nghị, năm 2015 mở rộng các hố khai quật về phía Đông nối tiếp các hố đào 2012-2013 để tìm hiểu các dấu tích kiến trúc của các thời kỳ và đặc biệt là tìm hiểu kiến trúc thời Lý, Trần trong đó có dấu tích Cổng thời Lý ở chính giữa Đoan Môn thời Lê.
(Theo TTXVN)