Năm Du lịch quốc gia 2015 hướng tới kết nối các di sản thế giới
Trong năm 2015, Thanh Hóa phấn đấu thu hút 100.000-120.000 lượt khách quốc tế và 5-5,3 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 158,6 triệu USD. Việc tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2015 sẽ là cơ hội để Thanh Hóa quảng bá tiềm năng du lịch, đồng thời kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, góp phần hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Với chủ đề "Kết nối các Di sản Thế giới," Năm Du lịch Quốc gia 2015 là cơ hội giới thiệu và quảng bá với du khách các giá văn hóa vật thể, phi vật thể, danh lam thắng cảnh đặc sắc; mở rộng mối quan hệ hợp tác hữu nghị, hội nhập và phát triển, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Các hoạt động và sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao sẽ diễn ra trong suốt năm 2015 ở hầu hết các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa và có sự tham gia của 15 tỉnh, thành phố có di sản thế giới trong cả nước như: Phú Thọ, Hà Nội, Quảng Ninh...
Trong Năm du lịch quốc gia 2015, Thanh Hóa sẽ phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành liên quan tại địa phương cũng như trung ương, tổ chức nhiều hoạt động lễ hội nhằm thu hút khách du lịch và nhà đầu tư. Có thể kể đến một số sự kiện nổi bật như: Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Thanh Hóa (1/2015), Lễ hội Lê Hoàn, Lễ hội Mai An Tiêm, Liên hoan “Câu hò nối những dòng sông” các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng (4/2015), Lễ hội Du lịch biển, Trại điêu khắc đá quốc tế (5/2015), Liên hoan ẩm thực các tỉnh, thành có di sản thế giới (6/2015), Hành trình kết nối các di sản thế giới, Lễ hội Lam Kinh (9/2015)...15 tỉnh, thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động nổi bật hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2015...
Biểu trưng của Năm du lịch quốc gia 2015 lấy hình ảnh chiếc nón lá làm chủ đạo. Nón lá là hình ảnh gần gũi của người Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng, cũng như quen thuộc với con người khi đi du lịch. Với thông điệp kết nối các di sản thế giới, 8 chiếc nón lá được kết nối với nhau tạo thành một bố cục vững chắc tượng trưng cho 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận ở Việt Nam (trong đó có 2 di sản thiên nhiên thế giới, 5 di sản văn hóa thế giới và 1 di sản thế giới hỗn hợp).
Tâm điểm của biểu trưng là hình ảnh của Thành Nhà Hồ, một danh thắng nổi tiếng của Thanh Hóa và cũng là một trong 5 di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam đã được cách điệu giản hóa tạo nên sự gắn kết và dễ nhận diện cho người nhìn. Bên cạnh đó, biểu trưng của di sản thế giới được đặt ngay trung tâm, tạo điểm nhấn cho tổng thể bố cục, với mong muốn gửi đến bạn bè trong và ngoài nước thông điệp về “Năm du lịch quốc gia - Kết nối các di sản thế giới”. Về màu sắc, logo được thể hiện bằng nhiều màu khác nhau, lấy cảm hứng từ sự hòa trộn giữa sự giàu có về văn hóa và thiên nhiên, niềm tự hào của người dân địa phương với môi trường và điều kiện tài nguyên thiên nhiên phong phú ban tặng cho Thanh Hóa. Sự bổ trợ nhau giữa các gam màu cũng tạo nên sức hút mãnh liệt cho biểu trưng của “Năm du lịch quốc gia 2015."
Để chuẩn bị tốt nhất cho Năm du lịch quốc gia 2015, Thanh Hóa tiếp tục hoàn thiện một số hạng mục công trình trọng điểm như: Dự án bảo tồn và phỏng dựng chính điện Lam Kinh, Nhà hát Lam Sơn, Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo, Đền thờ các bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ Hàm Rồng, Thư viện tỉnh... Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác nâng cấp, cải tạo một số hạng mục, công trình quan trọng như: Hoàn thiện nội thất nhà trưng bày Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, tôn tạo đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, nâng cấp đường nội bộ khu di tích lịch sử Lam Kinh…
Nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, địa hình trải rộng với 3 loại hình: miền núi trung du, đồng bằng và ven biển, Thanh Hóa được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, hội tụ đầy đủ các điều kiện cần thiết để phát triển du lịch. Thanh Hóa phấn đấu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm.
Thanh Hóa cũng tập trung khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa, phát triển thị trường khách du lịch quốc tế theo hướng du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tăng cường liên kết trong đầu tư khai thác phát triển du lịch. Cơ sở hạ tầng tại các khu du lịch trọng điểm cũng được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 66 dự án đăng ký đầu tư kinh doanh khu, điểm du lịch, trong đó tập trung vào các khu du lịch sinh thái biển như: Hải Hòa, Hải Tiến, Nam Sầm Sơn…
(Theo TTXVN)