Nghi lễ trưởng thành của người Thái
Người Thái coi trọng yếu tố linh hồn và bốn giai đoạn nghi lễ không thể thiếu trong đời người bao gồm: Buộc vía cho trẻ sơ sinh (có 5 giai đoạn); Buộc vía ở tuổi thiếu niên; Buộc vía ở độ tuổi thanh niên; Buộc vía trước khi về mường trời. Và lễ buộc vía ở độ tuổi thanh niên còn gọi là lễ trưởng thành là lễ không thể thiếu trong vòng đời mỗi người bởi nó rất quan trọng. Hiện nay, nghi lễ này vẫn được duy trì và có thể coi đó là một nét đẹp, một bản sắc riêng mang đầy ý nghĩa nhân văn.
Các bà, các mẹ chuẩn bị lễ cúng trưởng thành cho con gái |
Thầy mo Kha Văn Hoàn ở bản Bủng, xã Châu Khê, Con Cuông chia sẻ: Lễ trưởng thành có hai hình thức chính. Nếu làm lễ khi người thanh niên chưa lập gia đình thì gọi nôm na là “lễ cầu may mắn”; còn người chưa làm lễ ở tuổi thanh niên mà khi lập gia đình xong mới làm thì gọi là “lễ cầu hạnh phúc” và nghi lễ này sẽ được cúng bằng lợn. Con lợn là cúng các thần tiên ở mường trời để thông báo rằng, người con của gia đình nay đã lớn khôn trưởng thành, mong các Thần chứng giám, phù hộ, ban cho nhiều điều may mắn.
Thầy mo Vi Văn Hường chuẩn bị các nghi thức để cũng lễ trưởng thành |
Nếu làm lễ cho con gái thì thầy mo sẽ khấn mong cô gái có đôi má hồng như mào con gà mái sắp đẻ trứng sẽ xinh đẹp, khéo léo, sớm gặp được ý trung nhân. Nếu là con trai thì bờ vai nó sẽ vững chắc như là thân cây lim để sau này còn bao bọc cho vợ con, còn làm chỗ dựa cho bố mẹ lúc về già.
Nếu làm lễ khi đã lấy vợ lấy chồng rồi thì mong các con có được cuộc sống yên vui, sinh con có trai có gái, làm ăn hanh thông giống người trong bản ngoài mường, nuôi trâu bò sinh sôi đầy đàn, ruộng vườn tươi tốt. Sự ấm no, hạnh phúc của con cái chính là điều bố mẹ vui lòng nhất.
Các gia đình người Thái thường làm lễ trưởng thành cho con vào các giai đoạn: Khi bản thân người con sắp đi học xa nhà, đi làm hoặc sắp lấy vợ lấy chồng gia đình sẽ tổ chức lễ trưởng thành. Cũng có khi lấy vợ lấy chồng xong mới làm. Có khi thì bản thân người đó đau ốm triền miên, người thân đem áo đến nhà một thầy mo chuyên xem sự tình qua áo. Thầy mo khấn vái với mường Trời và các vị Thần các mường khác để các thần cho biết chủ nhân của chiếc áo này đang gặp phải trắc trở gì? có khi là tổ tiên trách cứ nết ăn cách ở, hoặc vía người đó vì sợ hãi điều gì bất thường, kinh khủng xảy ra trong cuộc sống mà lạc mất thể xác. Linh hồn và thể xác lạc mất nhau nên người đó mới ốm đau... Hoặc có khi vía của người đó muốn được làm lễ trưởng thành nên sinh đau ốm.
Mâm lễ trưởng thành gồm có: 1 con lợn (sau này giản tiện hơn, nếu gia đình nào khó khăn quá thì có thể thay lợn bằng ngan, vịt), có năm con gà. Lợn là để báo với Thần tiên trên trời, gà gồm đi thăm các bà nàng (tức 12 bà mụ); chào tạm biệt các bà nàng; báo với tổ tiên về buổi lễ; gọi vía chủ nhân về nhà; buộc vía cho chủ nhân (của buổi lễ). Mâm lễ chính sẽ được đặt ở gian nhà ngoài cùng nhất- nơi có bàn thờ tổ tiên.
Cô gái được thầy mo Vi Văn Hường và gia đình làm lễ trưởng thành |
Ai sinh ra cũng mong mình gặp điều may mắn, mong những bước chân khoẻ khoắn, đi không vấp, ngã không đau. Lễ trưởng thành của người Thái vừa mang yếu tố tâm linh, cũng là một hình thức động viên tinh thần, cầu điều tốt, không ốm đau, tai qua nạn khỏi. Mâm cúng lễ ngoài lợn, gà thì thầy mo sẽ tự chuẩn bị một số thứ khác, như những ngọn nến nhỏ được làm từ sáp mật ong; trầu cau, đồng xu; chén rượu.... và đặc biệt, có chiếc gươm dài của thầy mo đặt lên trên áo của người được làm lễ. Để khi cúng vái, cầu xin tai qua nạn khỏi thầy mo sẽ lấy gươm chặt ngang sợi chỉ vốn được giăng sẵn, nếu sợi chỉ đứt ngay lần chặt đầu tiên coi như mọi việc đều suôn sẻ.
Phía gia đình phải chuẩn bị một đôi vòng bạc đeo cổ, vòng tay, đôi váy áo, đôi khăn piêu để cúng tổ tiên. Những đồ này không được cúng lẻ vì chủ nhân sắp qua lễ trưởng thành, tổ tiên chứng giám tuổi trưởng thành thì người đó nay mai sẽ có đôi lứa. Theo quan niệm, cúng mọi thứ bằng một đôi là đem lại sự may mắn, đầy đủ và hạnh phúc, suôn sẻ cho chủ nhân của buổi lễ.
Ngoài ra, gia đình còn làm một số đồ dùng tượng trưng bằng lá chuối tươi như là tóc, gương soi, lược. Làm vòng tay, vòng cổ bằng sợi lạt mềm - những đồ tượng trưng này là để thầy mo khấn và gửi biếu các bà nàng trên trời. Mong các bà nàng khi nhận được đồ biếu sẽ vui mừng mở lòng ban phát điều lành cho chủ nhân. Đặc biệt nhất là chiếc áo, người Thái quan niệm rằng, vía của con người thường trú ngụ trong những chiếc áo, cho nên, đặt chiếc áo bên cạnh mâm cúng, nghĩa là vía của người đó đang ngồi cạnh thầy mo, đang chứng kiến mọi thứ và đón nhận sự vun đắp, ban phước, chúc phúc của tổ tiên cũng như các vị thần khắp nhiều mường ban cho. Bởi lời khấn vái khéo léo của thầy mo đều thấu đến mường Trời, đến các bà nàng, các Thần mường.
Mâm cúng chính của buổi lễ sẽ được kết thúc sau khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ đồng hồ. Tuỳ theo tiết tấu, bài cúng của Thầy mo và các thủ tục mà thầy mo xin với các Thần mường trời mường đất...
Khi phần lễ chính kết thúc thì có một mâm cúng nhỏ khác được đặt ở gian kế tiếp của ngôi nhà. Mâm này có một con gà cúng tổ tiên. Thầy mo xin phép tổ tiên được buộc chỉ cổ tay cho chủ nhân buổi lễ kèm theo những lời cầu chúc hanh thông, tốt đẹp. Lúc này tất cả những người đến với buổi lễ, sẽ lần lượt cầm tay người được làm lễ kèm theo lời chúc may mắn, bình an...
Lễ trưởng thành là lễ quan trọng không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi người con dân tộc Thái. Có thể gọi đây là một lễ vui, nhằm động viên, khích lệ người được làm lễ và vun đắp cho phần hồn thêm sức mạnh (theo quan niệm chung của người Thái). Đồng thời đây cũng là dịp để bà con, láng giềng cùng ngồi lại với nhau trò chuyện, tâm tình, để tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó, để tình anh em, họ hàng thêm bền chặt. Và sự tồn tại của lễ trưởng thành cũng như những nghi lễ đồng bào dân tộc Thái đã giữ gìn, phát huy là một màu trong nét chung tạo thành bản sắc phong phú của tình dân tộc anh em Việt Nam!
(Kha Thường)