Ngôn ngữ trong ví, giặm Nghệ Tĩnh
10:27, 06/12/2014
Nghệ Tĩnh, mảnh đất non xanh nước biếc có một kho tàng thơ ca dân gian đặc sắc, trong đó, ví, giặm là hai thể loại diễn xướng dân gian độc đáo hơn cả. Ví, giặm Nghệ Tĩnh là của để dành góp phần nhận diện bản sắc văn hoá địa phương trong chỉnh thể quốc gia, vừa là chứng chỉ hội nhập quốc tế theo xu thế toàn cầu hoá.
Từ bao đời nay, người Nghệ Tĩnh nói tiếng Nghệ, tức là những biến thể và dạng tồn tại của tiếng Việt trên địa bàn Nghệ Tĩnh. Bởi vậy, ngôn ngữ ví, giặm Nghệ Tĩnh là sự kết tụ những đặc điểm nghệ thuật tuyệt vời nhất của tiếng Việt toàn dân và cả những đặc điểm tinh tuý của tiếng Nghệ. Trong ví, giặm Nghệ Tĩnh, ta không chỉ bắt gặp những cách nói trau chuốt, mượt mà, ý nhị mà còn có cả những giãi bày mộc mạc, trọ trẹ, những kiểu nói khẩu ngữ địa phương. Chính sự kết hợp đan chéo các hình thức ngôn từ này đã tạo nên những điểm độc đáo, riêng biệt của ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Tiết mục “Khúc hát giao duyên phường vải” do các nghệ sỹ Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ biểu diễn. |
Ví, dặm sử dụng phổ biến lớp từ toàn dân, trong đó, nhiều từ ngữ rất trau chuốt, mượt mà, ý nhị, thể hiện cách nghĩ, cách cảm nên thơ của các chàng trai, cô gái Nghệ Tĩnh. Chẳng hạn, đây là cách giãi bày và đong đếm tình cảm: Hồng Sơn cao ngất mấy trùng/ Lam Giang mấy trượng thì lòng mấy nhiêu (Hát phường vải). Còn nữa, từ ngữ trong nhiều bài ví, dặm giàu hình ảnh, có tính biểu trưng cao, có tính “thơ” rất rõ nét. Chẳng hạn: Đá có rêu bởi vì nước đứng/ Núi bạc đầu là tại sương sa; Ra về dặn nước dặn non/ Dặn rằng một chữ vuông tròn phu thê,... (Hát phường vải); hoặc: Mẹ dừng chân đứng lại/ Sợ bóng xế, hoa tàn/ Sợ gió kép, mưa đơn/ Cho duyên rày áy náy/ Cho phận rày áy náy,... (Hát giặm).
Về biện pháp so sánh, ví, giặm chủ yếu dùng lối so sánh “lộ thiên” (có gần như đầy đủ công thức so sánh), dùng những sự vật rất gần gũi trong đời sống, nhưng lại tạo được những liên tưởng tinh tế. Chẳng hạn: Da em như đọt chuối non/ Eo lưng thắt đáy như con tò vò (Hát phường vải); Hoặc: Bụng tròn như vại nhút/ Béo như con tru (trâu) lào (Hát dặm).
Trong ví, giặm Nghệ Tĩnh, ẩn dụ tu từ được sử dụng nhiều nhất. Các tác giả dân gian dùng lối ẩn dụ để gửi gắm tình ý của mình. Trong nhiều trường hợp, biện pháp nghệ thuật này tạo được những cách nói bỏng bẩy, ý nhị về những điều khó nói, không dễ giãi bày. Chẳng hạn: Con chim phượng hoàng dại lắm không khôn/ Núi Tam Thai không đỗ lại đỗ cồn cỏ may (Hát phường vải); Hoặc: Ong ra vào mấy chuyến/ Bướm qua lại mấy lần/ Để bồ liễu chút thân/ Xót trong lòng nông nỗi (Hát giặm),...
Lối nhân hoá cũng được sử dụng trong ví, giặm để nói về phong cảnh, thông tin thời tiết, hoặc bày tỏ nỗi niềm nhân thế. Chẳng hạn, lối nhân hoá trong câu hát giặm “Rú Bờng chưa đội mũ/ Rú Bể chưa mang tơi” là thông tin thời tiết trời chưa mưa. Hoặc: “Vườn hoa quả thị má hồng/ Mận mơ quấn quýt đèo bòng cho cam” (Hát phường vải) vừa diễn tả tình cảm gắn bó, quấn quýt của trai gái, vừa như giới thiệu vườn hoa quả, gồm bảy loại quả: thị, hồng, mận, mơ, quýt, bòng, cam (nhân hoá kết hợp chơi chữ). Thật bất ngờ và thú vị.
Khoa trương (còn gọi ngoa dụ, phúng dụ) - phương thức tu từ gây ấn tượng mạnh bằng cách diễn đạt nhân lên gấp nhiều lần thuộc tính của sự vật, hiện tượng cũng xuất hiện nhiều trong ví, giặm Nghệ Tĩnh. Chẳng hạn: Dù ai khoét mắt, chặt tay/ Cũng lần hơi hướm đường này với anh (Hát phường vải); Đôi ta đã thề ước/ Quyết sống thác cùng nhau/ Dù bể thẳm non cao/ Dù lưỡi gươm kề đầu/ Phải liệu mà cất bước/ Tính liệu mà cất bước (Hát dặm). Những cách nói như thế là biểu thị thái độ quyết tâm cao của tình yêu lứa đôi.
Một trong những đặc điểm làm cho ví,giặm Nghệ Tĩnh dễ đi vào lòng người chính là sự sâu lắng và da diết của nhạc điệu. Nhạc điệu ví, giặm được hình thành chủ yếu từ hiệp vần và ngắt nhịp. Về hiệp vần, do hầu hết các bài ví, dặm sáng tác theo thể lục bát (ví), hoặc ngũ ngôn (dặm) nên các câu bao giờ cũng kết dính với nhau bằng cách hiệp vần ở những vị trí nhất định. Đó là kiểu vần lưng ở hát ví. Chẳng hạn: “Bao giờ Hồng Lĩnh đá mòn/ Hoành Sơn mây phủ, dạ còn nhớ anh”. Đó là vần chân ở hát dặm. Chẳng hạn: Dù biển cạn đá mòn/ Dạ sắt với lòng son/ Biết khi mô (nào) phai lạt (nhạt)/ Biết thủa nào phai lạt,... Cách hiệp vần trong ví giặm hầu hết là vần chính, do đó, chức năng hoà âm của vần phát huy tối đa. Trong nhiều trường hợp, ngay các âm tiết (tiếng) trong câu cũng bắt vần với nhau, gia tăng âm hưởng cho câu ví, dặm. Chẳng hạn: “Đi qua nghe tiếng em reo/ Nghe xa em kéo muốn đeo (đem) em về”; hay: Đôi đụa (đũa) sơn son/ Gắp hòn tro đỏ/ Bỏ vô cơi vàng/ Đến đây xa xạ (xã) ngái làng/ Ước răng (sao) cho được con phượng bắc ngang con rồng…
Trong ví, giặm Nghệ Tĩnh, ngắt nhịp không chỉ thực hiện chức năng phân giới các thành phần câu, các câu mà còn thực hiện chức năng duy trì nhạc tính, qua đó tăng thêm sức mạnh biểu đạt ý nghĩa, góp phần thể hiện nội dung các câu ví, giặm. Do đó, ngắt nhịp trong ví, giặm Nghệ Tĩnh không phải bao giờ cũng suôn sẻ, êm đềm, mà biến thiên đa dạng theo cảm hứng của chủ thể trữ tình, từ đó làm nên các phức điệu. Chẳng hạn: Đừng/ cờ/ cờ/ bạc/ bạc// Đừng/ rượu/ rượu/ chè/ chè// Đừng/ rủ bạn/ rủ bè// Đừng/ nghe mồm thiên hạ// Chớ/ nghe mồm thiên hạ (Hát dặm). Hay: Một/ là duyên/ là nợ// Hai/ tại mẹ/ tại thầy// Ba/ tại số ai đây// Cho duyên rày áy náy// Cho phận rày áy náy (Hát dặm). Những dẫn cứ này cho ta thấy nhịp trong ví, dặm gồ ghề, đa dạng như cuộc sống gian khó của người lao động Nghệ Tĩnh vậy.
Có thể nói, ví, giặm Nghệ Tĩnh bao chứa bên trong nó những đặc điểm, đặc trưng độc đáo của lối tư duy, quan điểm thẩm mỹ, đạo lý làm người, cách đối nhân xử thế, thái độ đối với cái thiện, cái ác,... của một vùng địa lý - dân cư.
(Theo Báo Nghệ An)