Lan toả mạch nguồn Ví, Giặm
Vinh dự là CLB có tiết mục được chọn biểu diễn trong lễ vinh danh dân ca Ví, Giặm là di sản văn hóa thế giới vào tối ngày 31/1 tại thành phố Vinh nên các thành viên CLB Dân ca xã Diễn Thái đang dành hết tâm sức cho việc luyện tập. Còn nghệ nhân Đinh Nhật Tân thì miệt mài hướng dẫn, tập luyện cho mọi người tiết mục Ví Giặm mới mà ông vừa sáng tác. 30 năm gắn bó với câu hò Ví Giặm, điều mà ông tâm đắc nhất là đã truyền niềm cảm hứng dân ca cho người dân ở đây. Từ sự khởi xướng, vận động của “ông Tân dân ca” mà Diễn Thái là địa phương đầu tiên của huyện Diễn Châu thành lập được CLB hát dân ca, rồi sau đó nhân rộng ra cả 10 xóm, 3 trường học và các tổ chức đoàn thể.
Nghệ nhân Đinh Nhật Tân miệt mài hướng dẫn, tập luyện cho CLB Dân ca xã Diễn Thái tiết mục Ví Giặm mới mà ông vừa sáng tác (Ảnh: Kim Bảo) |
Nghệ nhân Đình Nhật Tân tâm sự: Trong sinh hoạt ở các tổ chức chính trị hay sinh hoạt dân làng thì đưa dân ca ra mọi người đều thích, vì thế, phát huy thế mạnh, khả năng về dân ca nghệ tĩnh nên tôi ấp ủ, nuôi nấng nó và nó ngấm vào máu thịt của mình. Trong những năm qua, đã truyền thụ lại trong CLB đặc biệt là giáo viên các trường, các tổ chức như nông dân, phụ nữ...
Sự lo lắng của nhiều người về một bộ phận giới trẻ không còn mặn mà với dân ca Ví, Giặm đã được xua tan khi chứng kiến một buổi dạy dân ca của nghệ nhân Cao Bích Lâm ở xã Diễn Mỹ. Phần lớn các thành viên CLB có độ tuổi từ 8 đến 20. Với giọng hát ấm áp, truyền cảm, nghệ nhân Cao Bích Lâm đã dành nhiều giải thưởng lớn tại các kỳ liên hoan dân ca trong tỉnh. Và năm 2013, chị đã được Hội Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Ví Giặm. Điều đáng quý hơn cả là bằng tài năng của mình chị miệt mài, hòa mình vào đời sống của người dân, để ghi chép, để sưu tầm các làn điệu dân ca và thắp lên tình yêu câu hò Ví Giặm trong thế hệ trẻ. Nghệ nhân Cao Bích Lâm chia sẻ: Tôi là những người đi trước học hỏi được rất nhiều và để phát huy, bảo tồn dân ca Ví gặm thì bản thân cũng đã truyền dạy được cho nhiều tầng lớp ở địa phương cũng như tham gia cũng TTVH huyện để mà góp phần truyền dạy cho nhiều thành viên, những người đam mê dân ca ví giặm.
Nghệ nhân Cao Bích Lâm truyền cảm hứng dân ca cho thế hệ trẻ (Ảnh: Kim Bảo) |
Cùng với 5 nghệ nhân dân gian Ví Giặm được Hội văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng thì ở Diễn Châu còn có hàng trăm người được nhân dân suy tôn là những hạt nhân nòng cốt trong việc bảo tồn và phát huy dân ca Xứ Nghệ. Bằng tình yêu với câu hò điệu ví, các nghệ nhân đã gây dựng phong trào hát dân ca trong nhân dân thông qua việc thành lập 11 CLB cấp xã và gần 500 tổ hát dân ca tại các thôn xóm. Ngoài việc lưu giữ nhiều bài dân ca cổ thì họ còn sáng tác hàng trăm bài mới phù hợp với cuộc sống người dân và dễ đi vào lòng người.
Huyện Diễn Châu hiện có 11 CLB cấp xã và gần 500 tổ hát dân ca tại các thôn xóm (Ảnh: Kim Bảo) |
Ông Võ Minh phúc – Phó GĐ TTVHTT Diễn Châu cho biết: TTVH rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển dân ca xứ Nghệ mà các nghệ nhân đang nắm giữ, tạo điều kiện, động viên các nghệ nhân thường xuyên tham gia tất cả các hoạt động văn nghệ quần chúng ở các địa phương từ xóm, xã, huyện, tham gia biểu diễn liên hoan trong tỉnh và TTVH cũng đã mở lớp tập huấn sáng tác để các nghệ nhân tham gia, nâng cao kỹ năng truyền thụ về dân ca ví giặm cho cơ sở.
Dân ca Ví Giặm - nghệ thuật truyền thống của quê hương, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đang lan tỏa mãnh mẽ trong đời sống văn hóa của mỗi người dân đất Diễn. Và chính các nghệ nhân đang góp phần tiếp thêm sức sống mới để mạch nguồn dân ca chảy mãi trong lòng các thế hệ nhân dân xứ Nghệ.
(Mai Giang – Huy Đồng)