Mâm cỗ cúng Táo Quân gồm những gì?
Vì sao cúng Táo quân?
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người dân lại làm mâm cỗ cúng táo quân để tiễn ông Táo về trời, trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Như nhiều nước châu Á, người Việt thường cúng Táo Quân rất cẩn thận và chu đáo, song không phải ai cũng hiểu chuẩn bị mâm cỗ cúng táo quân gồm những gì.
Mâm cỗ cúng táo quân xuất phát từ câu chuyện cảm động về tấm lòng thủy chung của 3 vị thần, gồm thần Đất, thần Nhà, thần Bếp, thường được gọi chung là Táo Quân. Việc thờ cúng ông Táo hay Táo Quân là thể hiện mong muốn Táo Quân sẽ giúp họ giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc.
Lễ vật cúng táo quân |
Lễ vật cúng Táo Quân thường gồm hai mũ Ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không có cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy và một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy) để làm phương tiện Táo Quân về trời. Để giản tiện, có người chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ Ông Công (có hai cánh chuồn) đi kèm với một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy.
Chuẩn bị 3 bộ mũ, áo và hia Táo Quân.
Khi mua đồ vàng mã, cần lưu ý màu sắc của mũ, áo hay hia Táo Quân thay đổi hàng năm theo ngũ hành:
Năm hành kim thì dùng màu vàng; Năm hành mộc thì dùng màu trắng; Năm hành thủy thì dùng màu xanh;
Năm hành hỏa thì dùng màu đỏ; Năm hành thổ thì dùng màu đen.
Mâm cỗ cúng táo quân |
Tùy theo gia cảnh mỗi nhà, mâm cúng Táo Quân thường có: cỗ mặn, bánh kẹo, trầu cau, rượu. Hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi.
Mâm cỗ mặn cúng Táo Quân nên được đặt ở trong bếp với các món:
1 đĩa gạo; 1 đĩa muối; 5 lạng thịt vai luộc; 1 bát canh măng; 1 đĩa xào thập cẩm; 1 đĩa giò; 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống); 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa hoa quả; 3 chén rượu; 1 quả cau, lá trầu; 1 lọ hoa cúc; 1 tập giấy tiền, vàng mã.
Cũng có thể thay thịt vai luộc bằng một con gà luộc ngậm hoa hồng hoặc thay đổi các món canh như canh măng, canh mọc, canh bóng... và chuẩn bị những món hơi khác nhưng cũng vẫn giữ được truyền thống và bản sắc như: bánh chưng, xôi vò, thịt đông, nem rán, cá kho,thịt kho tàu, giò xào, hành muối, trà, rượu...
Lễ cúng táo quân thường diễn ra trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp (tức ngày 23 tháng 12 âm lịch), sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá chở ông Táo lên chầu Trời.
(Theo Báo Đầu tư)