Mùa xuân về với các địa chỉ đỏ trên quê hương Cách mạng
Thanh Chương là vùng đất có truyền thống Cách mạng, từng "đứng đầu", "dậy trước" trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích gắn với một thời kỳ lịch sử huy hoàng. Nhân kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng, cùng về với các địa chỉ đỏ trên quê hương Cách mạng.
Tại nhà thờ dòng họ Nguyễn Duy ở thôn Diên Tràng, thuộc xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương - nơi Tỉnh uỷ Nghệ An đã chọn làm trụ sở bí mật từ tháng 9/1930 đến tháng 2/1931. Đây chính là thời gian phong trào Xô Viết lên cao nhất tại các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn…
Cụ Nguyễn Duy Thọ (áo xanh) - người trông coi nhà thờ họ Nguyễn Duy cùng các đồng chí lãnh đạo địa phương dâng hương tại nhà thờ. |
Trong quần thể này còn có cây sui Diên Tràng, cây cổ thụ có nhiều hang hốc được làm nơi cất dấu cờ, truyền đơn và các loại tài liệu của Tỉnh ủy. Di tích nhà thờ Nguyễn Duy, cây sui và nhà thờ các họ Nguyễn Bá, Nguyễn Ích… trong vùng đã được Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá theo Quyết định số 1288, ngày 16 tháng 11 năm 1988. Hàng năm, vào mỗi độ Tết đến Xuân về và ngày thành lập Đảng 3/2, các đồng chí lãnh đạo địa phương và các cụ cao niên cùng con cháu đến dâng hương và ôn lại truyền thống.
Cụ Nguyễn Duy Thọ giới thiệu lịch sử di tích cho con cháu tại khuôn viên nhà thờ. |
... Cùng con cháu ôn lại truyền thống bên gốc cây sui Diên Tràng. |
Di tích Đình Võ Liệt còn gọi là gọi là Văn Quán, Quán Thánh Hàng Tổng… là nơi tế lễ và hội họp của Hội Văn, nơi lưu danh 445 người đậu đạt của huyện Thanh Chương. Năm 1929, Đình là nơi hội họp của tổ chức Đảng Tân Việt. Trong cao trào cách mạng 1930 – 1931, là nơi sinh hoạt bí mật của tổ chức Đảng, nơi tập trung quần chúng đi biểu tình. Đặc biệt sau sự kiện “cướp huyện phá đồn thành công vào ngày 1/9/1930, Đình là một trong những nơi thành lập chính quyền Xô Viết, trụ sở của tổ chức Nông hội đỏ. Năm 1947 là nơi tiến hành đại hội Đại biểu Khu ủy Khu 4.
Đình Võ Liệt nhìn từ trên cao. |
Khi Đảng ta ra đời năm 1930, ngày 1/6 cùng năm, đông đảo dân Tổng Võ Liệt cùng các Tổng Bích Hào, Xuân Lâm, Đại Đồng thường tập trung về đinh kéo lên huyện đường đấu tranh, yêu sách. Đặc biệt, ngày 1/9/1930, cuộc biểu tình thu hút hàng vạn nông dân tham gia tại huyện đường giành thắng lợi, đập tan bộ máy của chính quyền phong kiến thực dân. Mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô Viết ở Nghệ Tĩnh 1/9 trở thành ngày truyền thống của Thanh Chương và năm nay huyện tưng bừng tổ chức kỷ niệm 80 năm.
Lãnh đạo xã và cán bộ nhân dân dâng hương tại Đình Võ Liệt. |
10 năm sau, năm 1940 đinh chứng kiến chi bộ Đảng Cộng sản Võ Liệt tổ chức lại, Võ Liệt còn là nơi làm việc một thời gian của chính quyền Việt minh huyện sau Cách mạng tháng Tám thành công. Năm 1947, Đảng bộ liên khu IV mở đại hội tại Văn miếu với sự có mặt của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Thiếu tướng Nguyễn Sơn, nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu. Từ ngày văn hoá tâm linh được quan tâm, đình là nơi diễn ra hội làng.
Trải qua biến thiên của thời gian và lịch sử, đươc nhà nước quan tâm đầu tư gần chục tỷ đồng tôn tao, nâng cấp, “Văn miếu huyện” - đình Võ Liệt hoàn thành trong dịp kỷ niệm 80 năm truyền thống Thanh Chương. Cách thành phố Vinh 50 km, Võ Liệt bây giờ đã nâng tầm trở thành địa chỉ văn hoá, du lịch của du khách gần xa.
Các cụ cao niên trong xã Võ Liệt đang giới thiệu về các bia đá ghi danh 445 người đậu đạt của huyện Thanh Chương. |
Trên địa bàn huyện Thanh Chương còn có nhà thờ Nguyễn Đình Kình tại làng Đồng Xuân, Tổng Xuân Liễu, huyện Nam Đường, nay thuộc xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương. Theo hồ sơ di tích, đây là nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ nhất, Bầu Ban Chấp hành chính thức gồm 7 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Tiềm được bầu làm Bí thư. Di tích này đang được tỉnh, huyện, xã và con cháu đề nghị công nhân. Hàng năm vào các kỳ lễ, Tết, con cháu đều tập trung về để dâng hương và ôn lại truyền thống.
Đình Hà - Đài TTTH Thanh Chương