Những lưu ý khi cúng ông Công, ông Táo ai cũng dễ mắc sai lầm
Cúng sau ngày 23 tháng Chạp, làm lễ cúng ở dưới bếp, cầu xin tài lộc, sung túc… là những sai lầm thường gặp khi cúng ông Công, ông Táo.
Cúng lễ ông Công, ông Táo sau ngày 23 tháng Chạp
Lễ cúng ông Công, ông Táo nên được cử hành trước 12h ngày 23 tháng Chạp. Tuỳ theo điều kiện thời gian mà có thể cúng ông vào trưa hoặc tối 22 tháng Chạp, cùng lắm là cúng ngày 23 tháng Chạp.
Nên cúng ông Công, ông Táo vào tối 22 và sáng 23 tháng Chạp. |
"Chúng ta vẫn có thể cúng sau 12h ngày 23 tháng Chạp, thậm chí, do điều kiện thời gian, hoàn cảnh có thể cúng vào chiều, tối cũng không sao.
Nhưng ở đây, muốn khuyên mọi người nên chọn thời điểm tốt nhất để cúng lễ này. Theo quan niệm dân gian từ 11h – 13h là giờ Ngọ và đây thời điểm các thần quy tụ để chuẩn bị về trời nên thời điểm đẹp nhất vẫn là tối 22 và sáng 23 tháng Chạp", chuyên gia Nguyễn Vĩnh Kiên nói.
Đặt mâm lễ cúng ở dưới bếp
Nhiều người quan niệm, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà nên được cúng trên ban thờ chính trên nhà, còn ông Táo là 3 vị đầu rau trông coi việc bếp núc nên ông Táo phải được cúng dưới bếp.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia nghiên cứu tâm linh Nguyễn Văn Dương cho rằng, việc đưa ra ý kiến hướng dẫn cúng ông Táo như vậy là không đúng với phong tục cũng như các quy tắc thờ cúng từ nhiều đời nay của dân tộc.
"Tất cả các vị này đều phải được thờ phụng ở trên bàn thờ chính của gia đình. Không có ai đi đặt bát hương hay bàn thờ ở dưới bếp để thờ cúng các vị thần linh như ông Táo cả. Nói cúng ông Táo ở dưới bếp mới đúng như vậy là không hiểu văn hóa, tín ngưỡng, quan niệm dân gian từ nhiều đời nay của dân tộc Việt Nam", ông Dương nói.
Cúng ông Công, ông Táo ở dưới bếp là không đúng với phong tục thờ cúng. |
"Phải khẳng định thêm rằng, bếp không phải là chỗ để thờ cúng, bởi nơi đó là nơi đun nấu có nhiều uế tạp còn chỗ thờ cúng phải là nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà.
Mọi người nên giữ đúng truyền thống và nét đẹp trong cúng Táo quân ngày 23 tháng Chạp của cha ông ta đã truyền lại từ nhiều đời", ông Dương nhấn mạnh.
Cầu xin tài lộc, sung túc
Có rất nhiều người cúng ông Công, ông Táo không quên xin được làm ăn phát đạt, tấn tài tấn lộc, sung túc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phong thủy thì Táo Quân lên thiên đình là để báo cáo việc lớn nhỏ của gia chủ với Ngọc Hoàng nên các gia đình chỉ nên khấn và cầu xin Táo Quân báo cáo điều tốt, không nói điều xấu với thiên đình.
Ném cá chép từ trên cao xuống
Cá chép tượng trưng cho thần linh nên các gia đình chỉ thả cá từ từ xuống nước để cá có thể sống được. Tuyệt đối không được đứng từ trên cao như trên cầu, đường ném cá chép xuống sông bởi rất có thể cá sẽ chết.
Tuyệt đối không được đứng từ trên cao ném cá chép xuống sông bởi rất có thể cá sẽ chết. |
Đặc biệt, về cỗ cúng ông Táo, gia đình bạn có thể lễ chay hay mặn đều được. Lễ chay thì gồm có giấy vàng, giấy bạc, tờ tiền, cau trầu, nước và hoa quả. Nếu gia chủ muốn cúng lễ mặn thì có thể cúng giò chả, chân giò, xôi và các món ăn cổ truyền khác. Tuy nhiên có một số loại thịt người ta kiêng không đem cúng. Chẳng hạn như các món làm từ vịt, chim, ngỗng, trâu, bò, dê, chó.
Lễ vật cúng Táo Quân gồm: Mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn.
Năm 2017 là hành hỏa, vì thế nên chọn mũ ông Công, ông Táo màu đỏ.
Riêng đối với gia đình có trẻ con, người ta còn cúng Táo Quân một con gà luộc. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ.
|
Theo VTC