Cải cách tiền lương: Cải tổ để trả giá đúng sức lao động
10:15, 15/09/2010
Bài 2: Cải cách tiền lương là...
Bài 1: Lương cán bộ công chức: Đã xứng đồng tiền bát gạo chưa?
Các nhà khoa học nghiên cứu lâu năm về chính sách tiền lương chỉ ra rằng, câu trả lời cho vấn đề này là thực tế công chức không chỉ sống dựa vào đồng lương dù đương nhiên công chức luôn muốn được tăng lương. Vấn đề ở chỗ, CCTL phải trở thành nỗi bức xúc của những người “cầm chịch”, công cuộc cải cách mới có một kết quả như mong đợi.
Bỏ lối tư duy đếm đầu người trả tiền
Nhiều sáng kiến đã được đưa ra nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất nâng cao mức lương cho công chức, TS Trần Thu Hà cho rằng, trả lương theo vị trí công việc chứ không nên trả theo đầu người, nhà nước không nên làm thay việc của thị trường và xã hội và triệt để tiền tệ hóa mức lương.
Không ít chuyên gia cho rằng, cần cơ cấu lại ngay đội ngũ công chức, tách khu vực sự nghiệp và những người làm việc trong các cơ quan Đảng, hội, đoàn thể. Lại có chuyên gia cho rằng, tổng đầu tư cho phát triển ở nước ta chiếm tới 42%, nên giảm bớt đi để dành chi cho tiền lương. Muốn có tiền tăng lương, việc cần làm ngay là cơ cấu lại chi tiêu công.
GS Bùi Thế Vĩnh- Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hành chính, Học viện Hành chính lại tha thiết muốn thay đổi tư duy tính lương đó là thay bằng cách tính theo mức lương tối thiểu như hiện nay, thì nên chuyển sang tính bằng mức lương trung bình để đơn giản hóa thang bậc lương. Theo GS Bùi Thế Vinh, Nhà nước không nên tiếp tục bao cấp, ôm đồm, thậm chí giảm 30 - 50% phần việc hiện nay mà phải tách tiền lương khỏi bảo hiểm xã hội...
Tuy nhiên theo rất nhiều chuyên gia nghiên cứu sâu về lĩnh vực này đều thừa nhận, dù có đưa ra sáng kiến, nhưng điều cốt tử vẫn phải là "quyết tâm chính trị của các cấp cao nhất, của những cá nhân có trọng trách", phải có quyết tâm chính trị mới có bước đột phá trong cải cách tiền lương cho CBCC trong tương lai.
Nhà nước đừng “ôm” việc
Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên chỉ ra thực tế, dù Việt Nam đã có nhiều cuộc CCTL, nhưng kết quả là CBCC vẫn không thể sống dựa vào lương và giá như, "những người có quyền quyết định cải cách triệt để chế độ tiền lương chỉ sống đúng bằng đồng lương”. Khi cải cách không phải là vấn đề sát sườn, thiết thân đối với họ thì việc cải cách xem ra còn bước đi những bước khá chậm chạp.
Theo TS Dương Quang Tung, việc tinh giảm biên chế công chức hành chính hiện nay không những không thực hiện được mà đang có xu hướng tăng vì Nhà nước đang làm thay rất nhiều công việc của thị trường và xã hội và đang bao cấp quá nhiều các quan hệ này. Do đó, bất cứ cơ quan nhà nước nào, từ trung ương tới địa phương cũng đang cảm thấy thiếu bộ máy, thiếu biên chế để thực thi nhiệm vụ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần bớt đi một phần đầu tư cho phát triển doanh nghiệp nhà nước, dành vốn đầu tư nhiều hơn cho phát triển yếu tố con người trong bản thân bộ máy hành chính nhà nước và thực hiện triệt để chủ trương tiền tệ hóa tiền lương bằng việc đưa tất cả các khoản bao cấp vào thể hiện trong tiền lương(nhà, xe, điện thoại). Đồng thời công khai hóa, tiến tới quản lý các khoản thu nhập ngoài lương của công chức.
Về vấn đề này, ông Thang Văn Phúc - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn thường được “chiều chuộng”, được đầu tư nhiều hơn khu vực tư và khi có sự cố thì Nhà nước lại phải đứng ra trả nợ như kiểu vụ Vinashine. Việc cắt 50% công việc của bộ ngành, đó là dự báo, là những công việc mà chính phủ đang làm hiện nay. “Phải chuyển dần các lĩnh vực cho xã hội cho các tổ chức phi chính phủ, cho khu vực tư nhân, họ làm ta không làm. Nhà nước chỉ quản lý theo chính sách pháp luật và định ra chuẩn mực, trở thành người giám sát chứ không phải “vừa đẵn, vừa vác” lo từ A đến Z. Quan trọng là bây giờ bầy cho họ cách làm, còn làm thế nào là do người thực hiện, tức là chỉ cho cần câu chứ không cho con cá”.
Ông Phúc cũng cho rằng. Nhà nước không thể giữ lại tất cả 15.000 DNNN chiếm 70% tài sản mà chúng ta chỉ giữ mức độ thôi. Nhà nước phải chuyển đổi, bán khoán, cho thuê lấy nguồn ngân sách ấy đầu tư cho các lĩnh vực khác còn chủ sở hữu mới trên đất này họ phát huy và mình thu thuế. Ví dụ như lĩnh vực điện lực chẳng hạn, phải phong phú nguồn điện chứ chỉ để EVN làm việc đó, không tạo ra nhiều người làm ra điện với nhiều hình thức khác nhau, sẽ không tạo ra sự cạnh tranh.
(Theo Nhân dân)