Tập trung mọi lực lượng phòng, chống dịch sốt xuất huyết
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp, cơ quan chuyên môn, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cấp chính quyền và thôn, xóm, ấp trong phòng, chống dịch trên địa bàn.
Các địa phương khi phát hiện có dịch phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động lực lượng của cả hệ thống chính trị và áp dụng đồng bộ các biện pháp theo hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng, chống dịch. Kiểm soát chặt chẽ khu có dịch, đặc biệt là việc hướng dẫn, giám sát các hộ gia đình tự triệt phá nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH, để ngăn chặn bệnh dịch tái phát, lây lan.
Đồng thời, các tỉnh, thành phố phải phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch để người dân chủ động thực hiện.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế phải huớng dẫn và cử các đoàn tăng cường kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo các địa phương phòng, chống dịch quyết liệt, khẩn trương dập tắt ngay các ổ dịch, kiên quyết không để dịch lây lan rộng. Đồng thời Bộ phải chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị và giường bệnh, tổ chức tốt phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị để kịp thời tiếp nhận điều trị bệnh nhân sớm, ngăn chặn biến chứng và tử vong.
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo huy động học sinh các trường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học tham gia các hoạt động diệt muỗi, bọ gậy tại gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của y tế, coi đây là một nội dung sinh hoạt ngoại khóa của học sinh các cấp.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuyên truyền phổ biến về công tác phòng, chống dịch bệnh để mọi người dân nhận thức đúng, đủ về nguy cơ và tác hại của dịch bệnh để chủ động, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có hiệu quả; nghiêm cấm đưa tin thiếu chính xác gây hoang mang trong cộng đồng, ảnh hưởng tới sự ổn định, phát triển kinh tế xã hội…
Trong 24 giờ có dịch phải lập Ban chỉ đạo chống dịch các cấp
Thủ tướng cũng vừa có quy định, trong vòng 24 giờ, kể từ khi có công bố dịch của người có thẩm quyền, Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp phải được thành lập.
Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chống dịch cấp tỉnh theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế.
Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh sẽ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chống dịch cấp huyện theo đề nghị của Trưởng Phòng Y tế cấp huyện.
Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn sẽ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chống dịch cấp xã theo đề nghị của Trạm trưởng Trạm Y tế.
Theo Quyết định số 56/2010/QĐ-TTg ngày 16/9/2010, ở cấp quốc gia và cấp tỉnh sẽ thành lập 4 Tiểu ban chống dịch là Tiểu ban Giám sát, Tiểu ban Điều trị, Tiểu ban Tuyên truyền và Tiểu ban Hậu cần.
Ở cấp huyện và cấp xã, Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch quyết định thành lập hoặc không thành lập các Tiểu ban chống dịch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để thực hiện nhiệm vụ chống dịch.
Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo chống dịch đặt tại cơ quan y tế cùng cấp và do người đứng đầu cơ quan y tế đó phụ trách.
Nhiệm vụ của Đội chống dịch cơ động là điều tra, xác định dịch bệnh, phân tích diễn biến và xu hướng phát triển dịch; phát hiện, cấp cứu và điều trị tại chỗ người mắc bệnh dịch, chuyển người mắc bệnh dịch về các cơ sở khám chữa bệnh; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại vùng có dịch về cách ly, vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.
(Theo VOVnews)