Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thực trạng an toàn hành lang lưới điện ở Quế Phong

15:13, 24/09/2010
Huyện Quế phong có 113.935 km đường điện 35KV, số lượng trạm biến áp phân phối là 41 trạm, phục vụ cho 9210 hộ dân trải khắp 11xã, thị trấn (chưa kể đến 18 trạm biến áp phục vụ thi công cho nhà máy thuỷ điện Hủa Na). Đường dây đi qua địa hình phức tạp: Núi, đồi, khe suối và sông, đi qua các khu dân cư. Ngay phía dưới đường dây là rừng già, rừng cây tái sinh, rừng cây nguyên

 

Mới đây, tại vườn của bà Tạ Thị Thuyên, bản Na Chạng xã Tiền Phong, rừng keo của bà trồng đã chạm vào đường điện cao thế 35KV làm mất điện dài ngày tại 3 xã Đồng Văn, Hạnh Dịch và một phần của xã Tiền Phong. Khi sự việc xảy ra, Điện lực Quế Phong tổ chức tiến hành giải phóng hành lang nhưng gặp phải sự chống đối của gia đình với nhiều lý do: Mặc dù vườn cây trồng sau khi đã có đường dây nhưng bà nói “Đất của gia đình, gia đình trồng, gia đình bà không biết là mình sai phạm.

 

Còn đối với vùng trung tâm thị trấn, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, đất đai tăng giá và khan hiếm, nhiều người đã cơi nới xây dựng nhà cửa, trồng cây làm cho số vụ xâm hại hành lang lưới điện ngày càng gia tăng. Ông Trương Quang Định, giám đốc chi nhánh điện huyện Quế Phong cho biết, tại huyện Quế Phong, với địa hình rừng núi phức tạp, thường xuyên xảy ra mưa to gió lốc, cây cối dù to hay nhỏ đều có khả năng gãy vào đường lưới điện gây chập điện. Hiện nay,  quỹ đất ít nên các gia đình tách hộ, chiếm dụng làm nhà nên tỷ lệ vi phạm hành lang an toàn lưới điện có nguy cơ ngày càng nhiều.

 

Mặc dù theo định kỳ, ngành điện lực kiểm tra và giải phóng hành lang tuyến đường dây. Tuy nhiên, việc làm này không đơn giản chút nào bởi chỉ có ngành điện một thân một mình thực hiện nên thường gặp sự chống đối, cản trở quyết liệt của các chủ vi phạm. Thật khó xử, bởi nếu công nhân phát hiện cây lớn báo cho gia chủ biết và gia chủ đòi được bồi thường, đôi khi còn bị hành hung, còn nếu cây ngã đổ vào đường dây gây hư hại lưới điện đến hàng trăm triệu đồng thì không biết quy trách nhiệm cho ai, mà mọi lỗi đều đổ lên vai người thợ điện do thiếu tinh thần trách nhiệm không kiểm tra, không phát quang hành lang tuyến.

 

Để khắc phục tình trạng xâm hại hành lang lưới điện, chính phủ đã ban hành Nghị định 106/2005CP quy định về an toàn hành lang lưới điện. Tuy nhiên khi chính quyền địa phương cấp quyền sử dụng đất đã bỏ quên mất việc giới hạn an toàn hành lang lưới điện. Ông Trương Quang Định cho biết, thời gian tới, thực hiện nghị định 106, kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền giáo dục nhắc nhở thường xuyên các hộ gia đình có đường điện đi qua. Tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương cấp đất trong khu vực có đường điện đi qua, kiên quyết giải tỏa những hộ vi phạm hành lang tuyến, đảm bảo an toàn cho hành lang tuyến, giảm tới mức thấp nhất về thiệt hại có thể gây ra.

 

Vấn đề kiểm tra đảm bảo an toàn lưới điện là trách nhiệm của ngành điện, nhưng việc bảo vệ lưới điện là trách nhiệm của toàn xã hội. Vì vậy, phải có những biện pháp cụ thể, có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành điện và chính quyền địa phương nhằm ngăn chặn những tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Đồng thời có biện pháp mạnh như truy tố trước pháp luật các đối tượng vi phạp gây hư hại nặng cho các công trình điện. Có như vậy hàng lang lưới điện mới được đảm bảo.

 

(Vân Thanh)