Ấm lòng vùng lũ
>>> Trách nhiệm và tình người trong lũ dữ
Chiều qua (21-10), chúng tôi có mặt tại xã Nam Phúc, huyện Nam Đàn. Tất cả 760 hộ dân cùng trụ sở Đảng ủy, UBND xã, trường học, trạm y tế của Nam Phúc đều đang ngâm giữa biển nước. Phương tiện duy nhất để vào với bà con chỉ là hai chiếc ca nô nhỏ chở người và mì tôm, nước uống.
Vận chuyển mì tôm và nước uống vào cho bà con vùng rốn lũ |
Gạt những tảng bèo tây và rác, lần theo lối nhỏ còn ngập nước tới ngực người lớn, đoàn cứu trợ của tỉnh và huyện vào thăm gia đình ông Đặng Văn Đức, ở Xóm 5 xã Nam Phúc. Hoàn cảnh gia đình ông Đức vào diện đặc biệt khó khăn nhất xã. Vợ, con trai, con dâu và cả đứa cháu nội vừa mất, hiện ông là chỗ dựa duy nhất của bốn đứa cháu nhỏ mồ côi. Nhận thùng mì tôm từ đoàn cứu trợ, Ông Đức không nói nên lời, trên khuôn mặt già nua, khắc khổ cứ chảy dài dòng nước mắt.
Phó CT UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường trao quà cho gia đình ông Đặng Văn Đức |
Cạnh nhà ông Đức, gia đình chị Lê Thị Hương cũng thật éo le. Bố chồng chị mất đúng vào ngày mưa lũ nặng nhất. Bà con lối xóm bỏ hết việc nhà chèo thuyền hàng cây số giữa mưa lũ mới đưa được thi thể người xấu số về nơi an nghỉ. Đến hôm nay nhớ lại, chị Hương vẫn chưa hết bàng hoàng: Thuyền chở quan tài bố đi giữa mưa lũ, chỉ sợ quan tài bị lật, vì gió thổi rất mạnh...
Vì Nam Phúc và nhiều xã ở huyện Nam Đàn nằm ở vùng trũng, nên dù trời không còn mưa nữa, nhưng nước lũ xuống rất chậm. Chắc phải còn rất nhiều ngày nữa các trường Tiểu học, Trung học cơ sở vùng này mới có thể trở lại việc dạy và học. Những ngày này, rất nhiều em nhỏ chỉ biết đứng trên thềm nhà, trên những chiếc thuyền nhỏ thẫn thờ nhìn về lớp học. Em Đặng Thanh Huệ - lớp 5A Trường Tiểu học Nam Phúc buồn bã: Các cháu nghỉ lâu quá rồi, rất mong được sớm đến trường.
Trao sách vở cho các em học sinh xã Nam Phúc (Nam Đàn) |
Nắng nóng. Cái nắng dội xuống nước lũ, những mảng rác và bùn khổng lồ, làm cho không khí cả một vùng dân cư 5 xã ven Sông lam của huyện Nam Đàn thêm oi nồng, ngột ngạt. Ông Đinh Xuân Quế - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, người bám trụ tại vùng rốn lũ này đã 5 ngày nay lo lắng về những dịch bệnh có nguy cơ xảy ra đối với bà con: Khó khăn nhất hiện nay là xử lý môi trường sau lũ. Hiện tại trên một số địa bàn đã xuất hiện bệnh đau mắt đỏ và bệnh về đường ruột, còn sản xuất vụ đông nữa...
Ngay sau khi mưa lũ lớn xảy ra, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 17 đã quyết định rút ngắn thời gian. Tất cả lãnh đạo các cấp các ngành đều tỏa về các địa phương chỉ đạo cơ sở và bà con chống lũ. Do đợt mưa quá lớn và kéo dài, đến nay, Nghệ An đã có tới 20 người chết, 120 xã của 13 huyện, thành bị ngập; hơn 29.340ha lúa mùa, ngô đông và rau màu, 13.500ha diện tích thủy sản bị nập và hầu như mất trắng; tổng thiệt hại ước tính sơ bộ ban đầu đã lên tới 1.570 tỷ đồng. Nhiều ngày qua, rất nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân từ khắp mọi miền đã hướng về với miền trung, với Nghệ An. Tính đến nay, Nghệ An đã nhận được 9.8 tỷ đồng và hàng chục tấn lương thực, hàng hóa cứu trợ. Tất cả số tiền, lương thực, thực phẩm thuốc men, nước uống đều được Ban tiếp nhận cứu trợ của tỉnh nhanh chóng đưa về tận các xã và bà con. Hàng loạt những công việc trước mắt và lâu dài đã và đang được chính quyền các cấp chỉ đạo quyết liệt. Ông Nguyễn Xuân Đường - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Trước mắt tỉnh tập trung chuyển nhanh số tiền hàng cứu trợ tới dân. tập trung xử lý môi trường để tránh dịch bệnh; cung ứng giống vốn cho nhân dân để sau nước rút là bắt tay ngay vào sản xuất rau màu chống đói và tiến hành khôi phục lại hệ thống hạ tầng đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là vấn đề học tập cho các cháu.
Trong khó khăn chồng chất, các cấp ủy Đảng chính quyền từ tỉnh tới cơ sở ở Nghệ An đang nỗ lực để không một người dân nào bị đói, rét. Với ý chí kiên cường vượt khó, cùng sự động viên kịp thời của các địa phương, đơn vị, của những tấm lòng hảo tâm từ khắp mọi miền, đồng bào vùng lũ Nghệ An thêm ấm lòng hơn, từng bước gượng dậy ổn định đời sống và sản xuất.
(Nguyễn Như Khôi)