Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Công ty CP Gốm Vinh: Quyền lợi người lao động bị “bỏ quên”

15:37, 01/10/2010
Với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất gạch ngói xây dựng, sau khi được cổ phần hóa vào năm 2006, đời sống công nhân của Công ty cổ phần Gốm Vinh ngày càng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, một số thành viên của Hội đồng quản trị lại không quan tâm đến quyền lợi của người lao động và tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty mà liên tục có những việc làm “khó hiểu” và vi

  

Khi quyền lợi người lao động bị “bỏ quên”.

 

Với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất gạch ngói xây dựng, sau khi được cổ phần hóa vào năm 2006, đời sống công nhân của Công ty cổ phần Gốm Vinh ngày càng gặp nhiều khó khăn. Để được hưởng mức tiền công  40.000đ/ngày, công nhân phải làm việc tới 10 tiếng đồng hồ. Thời gian làm thêm giờ không được tính chế độ theo quy định của nhà nước. Thế nhưng, số tiền lương ít ỏi này không phải lúc nào cũng được chi trả kịp thời. Người lao động thường phải nhận lương chậm hơn 2-3 tháng so với quy định. Đối với những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, phải tạm ứng gạch để sửa chữa, xây dựng nhà cửa thì sau khi trừ nợ chỉ còn được nhận vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. 

 

Công ty cổ phần Gốm Vinh hiện có 50 công nhân, trong đó có 2/3 là lao động nữ. Thế nhưng trong nhiều năm qua, các chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản đối với nữ công nhân không được chi trả đầy đủ, kịp thời. Chị Đặng Thị Lan sinh con gái đầu lòng, đến nay đã bước sang tuổi thứ 5 mới được nhận chế độ trợ cấp thai sản, còn chế độ khi sinh cháu thứ hai thì vẫn chưa biết đến bao giờ, mặc dù năm nay cháu bé cũng đã hơn 2 tuổi. Tình trạng “con đã lớn mà mẹ vẫn chưa được nhận chế độ trợ cấp thai sản” ở  Công ty cổ phần Gốm Vinh là chuyện bình thường. Theo đơn kiến nghị và ý kiến của một số công nhân cho biết: Từ tháng 5/2010, khi ông Đào Văn Tuấn lên làm Giám đốc Công ty đã thanh toán một phần các khoản nợ bảo hiểm xã hội, nợ thuế... từ trước, thì công nhân mới được hưởng các quyền lợi chính đáng của mình.

 

Để làm rõ các vấn đề mà công nhân kiến nghị, chúng tôi đã trực tiếp làm việc với ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó giám đốc Công ty cổ phần Gốm Vinh. Tuy nhiên hiện nay, hình như mối quan tâm chính của Lãnh đạo Công ty lại không phải là sự tăng trưởng sản xuất, kinh doanh hay đời sống vật chất, tinh thần của người lao động! Khác với ý kiến phản ánh của các công nhân, ông Phó Giám đốc cho rằng, các chế độ đều được Công ty đảm bảo theo quy định!

 

Từ một Chi bộ liên tục đạt danh hiệu “trong sạch, vững mạnh”, hiện nay, các Đảng viên ở đây không có nơi sinh hoạt; Tổ chức Công đoàn chỉ còn là hình thức, không phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động. 5 năm qua, Công ty cổ phần Gốm Vinh không tiến hành Hội nghị công nhân viên chức hay tổ chức bất kỳ một buổi sinh hoạt tập thể nào. Người lao động ở đây đã bị bỏ rơi và quyền lợi của họ đang bị xâm phạm!

 

Những cuộc họp cổ đông “bất thường” và vi phạm luật doanh nghiệp.

 

Ngày 18/5/2010, các cổ đông của Công ty cổ phần Gốm Vinh đã tiến hành lập biên bản thoả thuận chuyển nhượng cổ phiếu cho ông Đào Văn Tuấn. Theo biên bản này, ông Nguyễn Trường Sơn - đại diện cho Công ty TNHH Tín Việt (có trụ sở tại Hà Nội), đồng ý chuyển nhượng cho ông Đào Văn Tuấn 2.800 cổ phiếu của Công ty cổ phần Gốm Vinh với giá trị chuyển nhượng là 868 triệu đồng. Còn ông Nguyễn Mạnh Thắng (lúc đó là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Gốm Vinh) đồng ý chuyển nhượng cho ông Đào Văn Tuấn 3.400 cổ phiếu với giá trị chuyển nhượng là 850 triệu đồng. Sau khi nhận chuyển nhượng, ông Đào Văn Tuấn nắm giữ 6.200 cổ phiếu, chiếm 31% vốn điều lệ của Công ty và trở thành cổ đông lớn nhất.

 

Ngày 19/5/2010, Công ty cổ phần Gốm Vinh đã tiến hành đại hội đồng cổ đông bất thường, bầu Hội đồng quản trị và giám đốc công ty. Ông Nguyễn Trường Sơn được bầu làm chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Đào Văn Tuấn giữ chức danh Giám đốc và ông Nguyễn Mạnh Thắng là Phó giám đốc. Hồ sơ đã được Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Nghệ An thẩm định, cấp lại Giấy đăng ký kinh doanh. Từ ngày 2/6/2010, ông Đào Văn Tuấn giữ chức danh Giám đốc và là người đại diện trước pháp luật của Công ty.

 

Theo nội dung đơn kiến nghị của các công nhân Công ty cổ phần Gốm Vinh, sau khi ông Đào Văn Tuấn lên làm Giám đốc, công ty đã thanh toán một phần các khoản nợ bảo hiểm xã hội, nợ thuế... từ trước thì công nhân mới được hưởng các quyền lợi chính đáng của mình. Các nữ công nhân được chi trả chế độ thai sản sau 4 - 5 năm chờ đợi. Thế nhưng, khi bộ máy tổ chức và hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty bắt đầu đi vào ổn định thì ông Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty lại liên tục có những việc làm khó hiểu và không đúng với các quy định của Luật doanh nghiệp hiện hành.

 

Chỉ hai tháng sau khi bổ nhiệm ông Đào Văn Tuấn lên làm Giám đốc, vào ngày 19/7/2010, với tư cách là chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Nguyễn Trường Sơn lại triệu tập Đại hội cổ đông bất thường với lý do: ông Nguyễn Trường Giang (em trai ông Sơn) sau khi nhận chuyển nhượng 2.900 cổ phiếu của Công ty cổ phần Gốm Vinh từ Tổng Công ty thủy tinh và gốm sứ xây dựng đã trở thành cổ đông chiếm 14,5% vốn điều lệ của Công ty, ông Giang có đơn đề nghị tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông để ứng cử vào chức vụ thành viên Hội đồng quản trị. Thành phần tham gia Đại hội còn có ông Nguyễn Văn Sơn - người đại diện theo uỷ quyền 100% cổ phần của ông Hà Huy Tùng và ông Đậu Đức Hoà. Tại cuộc họp này, ông Đào Văn Tuấn - Giám đốc Công ty  không đồng ý bầu ông Nguyễn Trường Giang vào Hội đồng quản trị; đồng thời, đề nghị bãi nhiệm chức vụ thành viên Ban kiểm soát của bà Nguyễn Thị Hằng - vợ ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó giám đốc công ty vì không đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp. Ngoài ra, ông Tuấn còn yêu cầu làm rõ những sai phạm của ông Nguyễn Mạnh Thắng trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành đã hợp đồng và bán gạch cho Công ty TNHH Văn Nguyên ở Bảo Lộc – Lâm Đồng hiện đang nợ Công ty CP Gốm Vinh hơn 6,7 tỷ đồng. Trước yêu cầu này, ông Nguyễn Trường Sơn đã bác quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông của ông Nguyễn Văn Sơn với lý do: Hợp đồng ủy quyền của 2 cổ đông là ông Đậu Đức Hoà (nắm 2.200 cổ phần) và ông Hà Huy Tùng (nắm 2.183 cổ phần), uỷ quyền cho ông Nguyễn Văn Sơn tham dự Đại hội đồng cổ đông do không ghi rõ số cổ phần uỷ quyền nên không xác định được quyền biểu quyết.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, Hợp đồng ủy quyền giữa ông Đậu Đức Hoà và ông Hà Huy Tùng đối với ông Nguyễn Văn Sơn được lập ngày 17/7/2010 tại Văn phòng công chứng Vinh là hoàn toàn hợp pháp! Tại Điều 1 của Hợp đồng về phạm vi uỷ quyền đã ghi rõ: ông Sơn có quyền thay mặt ông Hoà và ông Tùng tham dự đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Gốm Vinh năm 2010; được toàn quyền phát biểu, biểu quyết các vấn đề tại Đại hội. Thế nhưng, ông Chủ tịch Hội đồng quản trị đã lấy lý do không đủ đại diện 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự để hoãn Đại hội đồng cổ đông.

 

Vào buổi chiều cùng ngày, ông Nguyễn Trường Sơn lại triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị, mặc dù theo quy định tại Điều 112, Luật Doanh nghiệp thì nếu triệu tập họp Hội đồng quản trị phải gửi giấy mời hoặc thông báo chậm nhất 5 ngày làm việc trước ngày họp; cuộc họp phải được ghi biên bản, có đầy đủ chữ ký của tất cả các thành viên tham dự. Thế nhưng, cuộc họp vẫn được tiến hành dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Trường Sơn. Tại cuộc họp này, ông Sơn và ông Thắng đã biểu quyết bãi miễn chức vụ Giám đốc của ông Đào Văn Tuấn với lý do không hoàn thành nhiệm vụ; Sau đó, bầu ông Thắng giữ chức vụ Giám đốc thay ông Tuấn kể từ ngày 19/7/2010. Tuy nhiên, do biên bản cuộc họp này còn thiếu chữ ký của ông Đào Văn Tuấn nên hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Gốm Vinh đã không được Sở kế hoạch và đầu tư chấp nhận.

 

Cũng ngay trong ngày 19/7/2010, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty đã ký Quyết định số 121, miễn nhiệm chức vụ Giám đốc đối với ông Đào Văn Tuấn. Đây là Quyết định được ban hành không đúng thẩm quyền. Là chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Nguyễn Trường Sơn chỉ có các quyền và nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 - Điều 111, Luật Doanh nghiệp. Một quyết định được ban hành không đúng thẩm quyền thì đương nhiên là không có giá trị về pháp lý!

 

Cũng tại cuộc họp Hội đồng quản trị vào ngày 19/7/2010, ông Sơn và ông Thắng đã biểu quyết giao cho chủ tịch Hội đồng quản trị quản lý con dấu. Vì thế, hiện nay, mặc dù trong Giấy Đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, ông Đào Văn Tuấn vẫn là Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Gốm Vinh, nhưng con dấu và giấy phép kinh doanh thì ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó giám đốc lại giữ!

 

Không chỉ có các hành vi vi phạm Luật Doanh nghiệp, ông Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Gốm Vinh còn có những việc làm đi ngược lại với ngay cả thoả thuận của chính bản thân mình. Mặc dù đã ký vào biên bản thoả thuận chuyển nhượng cổ phiếu cho ông Đào Văn Tuấn và viết giấy đã nhận đủ tiền, nhưng sau đó, ông chủ tịch Hội đồng quản trị lại cho rằng: việc ông Đào Văn Tuấn nhận chuyển nhượng 2.800 cổ phiếu từ Công ty TNHH Tín Việt do ông đứng ra làm đại diện là không hợp lệ, với lý do: việc ông ký thoả thuận chuyển nhượng cổ phấn cho ông Tuấn là do không hiểu hết quy định của pháp luật nên chưa triệu tập Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tín Việt để thông qua việc bán cổ phần. Vấn đề cần nói thêm ở đây là: mặc dù tự cho rằng mình “không hiểu hết quy định của pháp luật”, thế nhưng trong văn bản gửi Công ty Cổ phần Gốm Vinh và ông Đào Văn Tuấn vào ngày 15/8/2010 đề nghị ông Tuấn chuyển trả số cổ phiếu đã nhận chuyển nhượng, ông Sơn lại trích dẫn rất nhiều điều khoản và các quy định của pháp luật “để Công ty cổ phần Gốm Vinh và ông Đào Văn Tuấn biết”. Như vậy, ông Sơn không thể nói rằng mình không hiểu hết về pháp luật!

 

Không công nhận chức danh Giám đốc của ông Đào Văn Tuấn, không tạo điều kiện để ông Tuấn được thực thi các quyền hạn của một Giám đốc, thế nhưng khi cần thực hiện chức trách, nhiệm vụ của một Giám đốc Công ty thì các thành viên Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Gốm Vinh lại nhanh chóng đồng ý để ông Đào Văn Tuấn Tuấn thực hiện  nghĩa vụ đó. Hiện nay, Công ty cổ phần Gốm Vinh còn nợ tiền Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An hơn 328 triệu đồng. Tại Biên bản giải quyết thi hành án ngày 9/9/2010, ông Nguyễn Mạnh Thắng đã nhất trí để ông Đào Văn Tuấn chịu trách nhiệm chi trả số tiền này. Còn ông Đào Văn Tuấn cũng cam kết trả toàn bộ số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội của Công ty cổ phần Gốm Vinh cho BHXH Nghệ An trong tháng 10/2010.

 

Với bất kỳ doanh nghiệp nào thì hiệu quả sản xuất kinh doanh và đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng được coi là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, ở Công ty cổ phần Gốm Vinh hiện nay, mối quan tâm chính của Lãnh đạo Công ty lại không phải là sự tăng trưởng sản xuất, kinh doanh hay đời sống vật chất, tinh thần của người lao động mà đang tranh chấp về quyền lãnh đạo Công ty, về việc chuyển nhượng, mua bán cổ phiếu trong nội bộ HĐQT Công ty dẫn đến đình trệ trong sản xuất, mà trước hết xuất phát từ chính ông Chủ tịch HĐQT và PGĐ Nguyễn Mạnh Thắng dẫn đến quyền lợi của người lao động không được chăm lo đúng mức. Vì thế, khi các cơ quan chức năng chưa kiểm tra, làm những kiến nghị của công nhân Công ty cổ phần Gốm Vinh thì quyền lợi của người lao động ở đây sẽ còn tiếp tục bị xâm phạm. Và khi đó, mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của chủ trương cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ chỉ còn là hình thức! Để ổn định công ty cổ phần Gốm Vinh, các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc để làm sáng rõ các vấn đề mà như đơn thư của chính các công nhân Công ty đã phản ánh và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền!

 

(Trung Thảo - Kim Thoa)