Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Ngành y tế nỗ lực phòng chống dịch bệnh sau lũ

16:08, 21/10/2010
Môi trường sau lụt là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh bùng phát. Chính vì vậy, ngay sau khi mưa ngớt, nước ở một số nơi bắt đầu rút, ngành y tế đã khẩn trương cử cán bộ trực tiếp xuống vùng ngập lụt hướng dẫn các hộ dân cách xử lý nguồn nước, VSMT nhằm phòng chống các dịch bệnh.

 

Xã Hưng Thông huyện Hưng Nguyên có hơn 1.000 hộ với gần 5.000 dân. Do mưa lớn tòan xã đã có tới 80% hộ dân bị ngập. Điều đó cũng đồng nghĩa với các nguồn nước sử dụng trong tòan xã cũng bị chìm trong nước lũ, bùn đất, rác thải. Bởi ở đây, bà con xã Hưng Thông chủ yếu sử dụng nguồn nước từ các giếng khơi, giếng đào. Mặc dù có giếng khoan, thế nhưng mấy hôm nay, gia đình bà Lê Thị Minh ở xóm 6 xã Hưng Thông huyện Hưng Nguyên vẫn phải chắt chiu từng giọt nước mưa để sinh hoạt, ăn uống. Nhà chỉ có một cái bể chưa đầy nửa khối nước dùng trong 3 ngày qua cũng đã cạn. Nước lũ trong nhà, ngoài ngõ mênh mông, thế nhưng bà Minh đang lo lắng mai mốt nữa không có nước để uống và nấu ăn, chưa nói đến tắm giặt.

 

Gia đình chị HoàngThị Thu Huyền ở xóm 7 cũng không khá hơn là bao. Do không có bể dự trữ nước mưa, nhưng nhà lại có tới 6 khẩu, chị phải hứng mưa vào chum, vào chậu… nên đến nay, nước để ăn uống cũng chỉ đủ dùng trong một đến hai ngày nữa. Còn nước giặt giũ thì phải ra ao, ra mương.

 

Cho đến thời điểm này, toàn tỉnh vẫn đang còn 120 xã của 13 huyện thành thị với 38.000 hộ dân đang bị ngập sâu trong nước lũ, 35 xã bị cô lập. Và cũng chừng ấy hộ dân cũng đang trong tình trạng thiếu nước sạch để dùng. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường do chất thải từ cống rãnh, nhà tiêu, bùn đất ứ đọng, xác súc vật chết… đang là nguy cơ bùng phát và lây lan các dịch bệnh. Nước lũ đang rút rất chậm, càng đục và bẩn. Trước tình hình này, nhiệm vụ đầu tiên ngành y tế phải tiến hành là xử lý nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân vùng lũ. Ông Lê Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết: Trước mắt bằng việc tiếp cận, cung cấp hoá chất phèn chua, cloramin B, Aquatabs và hướng dẫn quy trình xử lý, ngành y tế có thể giúp người dân có được nước uống và sinh hoạt đảm bảo vệ sinh ngay từ nguồn nước lũ xung quanh mình.

 

Điều đáng lo ngại nhất, đó là cơ số thuốc và hóa chất dự trữ tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cũng chỉ đáp ứng đủ 1/10 so với nhu cầu của người dân vùng lũ trong thời điểm hiện nay. Trước tình hình đó, Viện Y học Lao động và VSMT và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có kế hoạch cứu trợ khẩn cấp cho Nghệ An từ 500-1.000 kg Cloramin B dùng để khử trùng nước. Ngoài ra, còn hỗ trợ các loại hóa chất phun diệt côn trùng và xử lý môi trường sau bão lụt.

 

Cùng với việc tập trung xử lý nguồn nước sinh hoạt, ngành y tế cũng khuyến cáo chính quyền, người dân vùng lũ nước rút đến đâu làm VSMT đến đó, hạn chế tối đã nguy cơ dịch bệnh xảy ra.

 

(Hiến Chương)