Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An khó khăn trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân

15:34, 07/10/2010
Cho đến thời điểm này, Nghệ An mới chỉ có 10% tổng dân số tham gia BHXH và 63% người dân có thẻ BHYT. Điều đáng lo ngại nhất đó là trong gần 40% dân số còn lại chưa có thẻ BHYT lại chủ yếu rơi vào các đối tượng tự tạo việc làm, lao động thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn. Và nếu như không kịp thời có các biện pháp cụ thể thì chắc rằng Nghệ An sẽ không hoàn thành mục tiêu

 

Thành phố Vinh có tổng dân số gần 290.000 người, song đến nay, cũng mới chỉ có gần 210.000 người tham gia BHYT và có thẻ BHYT, chiếm 74% dân số. Mặc dù đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm làm cho người dân hiểu được tầm quan trọng của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, tính nhân đạo của BHYT trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thế nhưng, vẫn còn tới 26% dân số trên địa bàn thành phố Vinh chưa tham gia BHYT. Điều đó được lý giải bằng các nguyên nhân như do dân cư ở ven thành phố chiếm tỷ lệ lớn, đa số lại làm nông nghiệp, đời sống còn gặp khó khăn, thu nhập thấp nên không muốn tham gia đóng BHYT. Bên cạnh đó, các đối tượng cận nghèo tại Khoản 20 Điều 12 Luật BHYT theo lộ trình sẽ được tham gia BHYT từ ngày 1/1/2010, nhưng cho đến nay phòng LĐ-TBXH thành phố vẫn chưa có văn bản chỉ đạo của cấp chủ quản. Do đó, số đối tượng này vẫn chưa được tham gia đóng BHYT, mặc dù đa số họ đều có nguyện vọng được tham gia.

  

Thực hiện Luật BHYT mới, năm 2010 cơ quan BHXH tỉnh đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 49 cơ sở khám chữa bệnh BHYT, gần 500 trạm y tế xã phường, thị trấn. Đến nay, BHXH cũng đã phát hành trên 1.860.000 thẻ BHYT, chiếm 63% dân số toàn tỉnh. Thế nhưng, việc mở rộng các đối tượng tham gia BHXH,  BHYT để đảm bảo lộ trình BHYT toàn dân đến năm 2014 đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chính quyền cấp cơ sở chưa xem việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT là nhiệm vụ thường xuyên của mình, chưa tham gia BHYT cho các đối tượng thuộc UBND xã, phường, thị trấn. Cụ thể: theo quy định của Luật BHYT, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phường thị trấn là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và do UBND xã, phường chịu trách nhiệm lập dự tóan đóng BHYT. Tuy nhiên, cho đến đầu tháng 9, toàn tỉnh mới chỉ có duy nhất 3 huyện thành thị gồm Quỳ Hợp, Yên Thành và Nghĩa Đàn với 5 UBND xã tham gia BHYT cho 65 người hoạt động không chuyên trách ở xã, chỉ đạt 0,65% số người thuộc diện phải tham gia BHYT. Ông Hồ Sỹ Cảnh, Giám đốc cơ quan BHXH thành phố Vinh cho rằng, cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các Sở ban ngành, và đưa vào trách nhiệm cho tuyến cuối cùng là UBND phường xã, gắn trách nhiệm và đưa vào tiêu chí thi đua, đối tượng này phải bắt buộc và cũng phải có chế tài bắt buộc thì mới thực hiện được lộ trình BHYT toàn dân.

 

Bên cạnh những vướng mắc trên thì công tác kê khai, lập danh sách các đối tượng được Ngân sách Nhà nước đóng BHYT còn thiếu và chưa kịp thời. Tính đến cuối tháng 6, toàn tỉnh mới có gần 532.000 người nghèo, hơn 39.200 TNXP và CCB, gần 280.000 trẻ em dưới 6 tuổi tham gia BHYT. Việc thực hiện lộ trình BHYT toàn dân gặp khó khăn còn do công tác tuyên truyền chưa được cấp ủy chính quyền tập trung, chưa mấy quan tâm tới việc vận động nhân dân tham gia BHYT, nhất là đối tượng cận nghèo, các đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, BHXH tự nguyện. Theo số liệu của Sở LĐ-TBXH, hiện nay, toàn tỉnh có tới 243.000 người thuộc hộ gia đình cận nghèo, nhưng trong số đó cũng chỉ có ngót ngét 9.200 người của 13 huyện, thành, thị tham gia BHYT, chỉ chiếm 3,8% hộ nghèo. Để khắc phục tình trạng này, ngành y tế Nghệ An cho rằng, việc ban hành các chính sách về BHYT cần đảm bảo quyền lợi và xuất phát từ thực tế của các bên tham gia bao gồm cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan quản lý và người dân. Đồng thời phải có mức thu riêng cho từng đối tượng cụ thể. Bác sỹ Bùi Đình Long, Phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho rằng: sắp tới, khi xây dựng chính sách phải có sự đồng thuận giữa các bên, đặt mục tiêu của BHXH lên hàng đầu: BHXH là an sinh, là không lợi nhuận. Trong khi các điều kiện về nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng lên, trang thiết bị y tế phát triển không ngừng, phạm vi chuyên môn liên tục mở rộng, thì BHYT lại có một mức thu chung cho tất cả các đối tượng, mà nhu cầu khám chữa bệnh của mỗi một người dân lại khác nhau. Cần giải quyết những bất cập này trong việc điều chỉnh sắp tới.

 

Xuất phát từ tình hình thực tế trên, để đạt được mục tiêu 100% dân số tham gia BHYT vào năm 2014, Sở y tế Nghệ An đã xây dựng đề án BHYT toàn dân. Theo đó, đề án nêu rõ các cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh phải tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện chính sách BHYT ở tất cả các cơ sở để mọi người cùng biết, cùng hưởng ứng và tham gia tích cực. Đặc biệt, mục tiêu BHYT toàn dân phải được gắn liền với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, nâng cao chất lượng và sự hài lòng của người tham gia BHYT, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến chính sách BHYT, tạo điều kiện tối đa cho đối tượng tham gia BHYT khi khám chữa bệnh và trong trường hợp viện phí tăng thì ngươì bệnh cũng sẽ được giảm bớt gánh nặng các khoản chi phí, đặc biệt là các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách.

 

Trong số 63% dân số trong toàn tỉnh đã tham gia BHYT, các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em và bảo trợ xã hội chiếm tỷ lệ cao. Số còn lại hầu hết là lực lượng lao động chính trong xã hội. Chính vì vậy, triển khai nhanh chóng các giải pháp nói trên sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình BHYT tòan dân trên địa bàn Nghệ An vào năm 2014 đảm bảo đúng Luật định.

 

(Hiến Chương)