Nghệ An nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt
|
LL BĐBP ứng cứu người dân ngay trong mưa lũ (Ảnh: Trần Lan Anh) |
Với tinh thần khẩn trương nhất, ngay trong mưa lũ, các cấp các ngành đều chung tay giải quyết khó khăn cho người dân vùng bị ngập. Hơn lúc nào hết tình cảm thương người như thể thương thân được phát huy. Cả tỉnh đã huy động hết tinh thần và lực lượng để ứng cứu kịp thời những sự cố do lũ. Lực lượng bộ đội biên phòng đã thành lập ban chỉ huy tiền phương sắn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Lực lượng công an cũng được chỉ đạo triển khai vừa cứu hộ, cứu nạn vừa bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động lực lượng tối đa toả về các địa phương giúp dân di tản đến nơi an toàn. Gần 12.000 hộ dân đã được di dời đến nơi an toàn và không bị đói rét.
Bên cạnh đó, mặc dù chính quyền các địa phương vùng lũ lụt gặp rất nhiều khó khăn, song với tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân nên ngay trong những ngày mưa lũ cũng đã lăn lộn với cuộc sống khó khăn để động viên và hỗ trợ người dân kịp thời. Trong lũ lụt, với truyền thống lá lành đùm lá rách, hàng vạn suất quả cũng đã được các cơ quan đơn vị, các đoàn thể xã hội ủng hộ nhân dân chống chọi với lũ. Chính những nghĩa cử và hành động như vậy đã giúp đỡ được nhân dân qua cơn khốn khó.
Chủ tịch UBMTTQVN Huỳnh Đảm trao quà cho người dân Hưng Nguyên bị lũ lụt (Ảnh: Trần Minh) |
Hiện nay, nước lũ đã rút, hàng loạt vấn đề đặt ra như vệ sinh môi trường, nước sạch sinh hoạt, lương thực, sách vở… cho những vùng mà lũ đi qua cũng đang được các cấp ngành chính quyền các địa phương và tổ chức đoàn thể vào cuộc. đây sẽ là động lực quan trọng để người dân sớm ổn định cuộc sống. Tại huyện Nghi Lộc, sinh viên cơ sở đào tạo nguồn nhân lực đại học công nghiệp TPHCM ở Nghệ An đã giúp người dân xã Nghi Thuận thu dọn vệ sinh môi trường. Gần 200 đoàn viên của cơ sở chia thành từng tổ đến tận mỗi nhà dân tình nguyện làm bất cứ việc gì mà gia chủ cần để ổn định cuộc sống. Trong đợt ra quân lần này, cơ sở đào tạo nguòn nhân lực miền trung đã huy động tới 10.000 ngày công chia đều đến các xã bị ngập lụt nặng để giúp dân thu dọn vệ sinh môi trường.
BĐBP khám bệnh cho người dân vùng lũ (Ảnh: Lê Thạch) |
Hiện nay, ngành như y tế cũng đã huy động lực lượng để hướng dẫn người dân sử dụng các loại hoá chất khử trùng tiêu độc, cách sử dụng nguồn nước bảo đảm an toàn để tránh dịch bệnh xảy ra.
Có thể nói, sau trận lũ, thiệt hại nặng nề nhất và có ảnh hưởng lâu dài đến đời sống người dân chính là thiệt hại về nông nghiệp. Theo thống kê chưa đầy đủ thì toàn bộ diện tích hơn 35.000ha hoa màu, hơn 13.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị xóa sổ, chưa kể hạ tầng nông nông nghiệp bị phá hủy. Trong lúc này, cần thiết phải có một phương án khôi phục sản xuất hiệu quả. Cùng với sự cố gắng, nỗ lực của đảng bộ nhân dân tỉnh Nghệ An thì sự giúp đỡ từ phía các cấp ngành trung ương, các tỉnh bạn sẽ là sự cổ vũ mạnh mẽ để Nghệ An sớm khắc phục được hậu quả do thiên tai gây ra.
(Trịnh Viên)