Nghĩa Lộc: điển hình trong công tác dân số vùng giáo
Nghĩa Lộc là một xã trung du miền núi thuộc huyện Nghĩa Đàn, dân số có gần 15.300 người, trong đó giáo dân chiếm tới 34%. Đời sống nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp, trình độ dân trí không đồng đều. Từ xuất phát điểm đó nên nhận thức về công tác dân số- KHHGĐ của người dân nơi đây cũng còn hạn chế. Xác định mục tiêu hạ thấp tỷ lệ sinh, nâng cao chất lượng dân số sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã Nghĩa Lộc khóa 21 đã đưa mục tiêu giảm tỷ lệ dân số từ 1,25% xuống còn 0,9% trong nhiệm kỳ 2010-2015. Bên cạnh đó, hàng năm Đảng ủy xã còn xây dựng Nghị quyết chuyên đề về công tác dân số-KHHGĐ. Từ đó, triển khai quán triệt sâu rộng trong các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt chú trọng 17 xóm có đồng bào theo đạo. Ông Cao Xuân Ba, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lộc cho biết: Đảng ủy xã phân công cho cấp ủy phụ trách các ngành, các cấp phối hợp triển khai thực hiện, giao cho Ban dân số xã làm nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đưa ra những chủ trương, giải pháp có hiệu quả nhất để thực hiện. Nhưng trọng tâm vẫn là các ngành đoàn thể phải phối hợp với cơ sở, với các chức sắc tập trung tuyên truyền để các đối tượng, bà con vùng giáo tham gia tích cực hơn.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở nhiều đợt truyền thông, lồng ghép các cuộc họp để tuyên truyền cho các đối tượng, Đảng ủy xã còn đưa ra những chỉ tiêu chấm điểm thi đua của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong việc thực hiện công tác dân số hàng quý, hàng năm. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân số vùng giáo, Nghĩa Lộc xác định trong công tác truyền thông, giáo dục các chủ trương, chính sách dân số - KHHGĐ cần phải kết hợp với các linh mục, chức sắc, ban hành giáo, các bậc cao niên trong làng. Đồng thời, khi tuyên truyền người giáo dân thực hiện chính sách KHHGĐ không tuyên truyền công khai mà vận động bằng phương pháp rỉ tai, mưa dầm thấm lâu, tuyệt đối giữ bí mật cho người sử dụng biện pháp tránh thai. Cách làm này đã tạo cho bà con giáo dân tự nguyện tham gia các biện pháp tránh thai đông hơn. Nhờ tập trung đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, việc thực hiện các chính sách dân số- KHHGĐ ở vùng giáo Nghĩa Lộc đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,34%, số người sử dụng các biện pháp tránh thai đạt 51%.
Tuy đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng công tác dân số vùng giáo Nghĩa Lộc vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Việc thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ ở vùng giáo lâu nay gặp nhiều phức tạp do bị luật giáo hội cấm kỵ các cặp vợ chồng không được sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, vì vậy tỷ lệ sinh tự nhiên ở đồng bào có đạo vẫn còn cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn gia tăng. Bên cạnh đó, do bà con giáo dân ngại tiếp cận chỗ đông người, vì vậy việc tuyên truyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số ở vùng giáo cũng gặp nhiều khó khăn. Điều đáng nói là tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ lại là các lao động chính, thường đi làm ăn xa, chủ yếu chỉ trở về quê vào dịp tết. Ông Cao Xuân Ba, Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: Số lao động trong độ tuổi sinh đẻ thường trở về quê vào dịp Tết nên xã rất quan tâm về công tác tuyên truyền, chuẩn bị các cơ sở vật chất, thiết bị dịch vụ, các biện pháp tránh thai như thuốc, vòng, có một mạng lưới gần gũi tiếp cận được lực lượng này, kể cả tiền viện phí, nếu số lượng thuốc không đủ thì xã sẽ điều hòa ưu tiên vùng giáo, đặc biệt là những dịp cao điểm.
Từ cách làm của Đảng ủy xã Nghĩa Lộc, bài học kinh nghiệm được rút ra ở đây đó là: để làm tốt công tác dân số vùng giáo, thì trước hết phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp thường xuyên coi chỉ tiêu nhiệm vụ dân số - KHHGĐ là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với mặt trận tổ quốc và các đoàn thể phải thực sự vào cuộc, có như vậy công tác DS-KHHGĐ mới phát huy hiệu quả.
(Hiến Chương)