Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Trách nhiệm và tình người trong lũ dữ

08:49, 21/10/2010
“Bàng hoàng”, “khủng khiếp” là những từ được nhắc lại nhiều nhất trong bà con vùng lũ và trên các phương tiện thông tin đại chúng khi nói về hậu quả do mưa lũ gây nên suốt nhiều ngày qua. Cùng với các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, hơn 20 xã tại các huyện Nghi lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Cửa lò, Thành phố Vinh với trên 30.700 ngàn hộ/ 123.440

 

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có đến 20 người bị chết; hơn 5.300ha lúa mùa, 18.480ha ngô đông và 10.000ha rau màu vụ đông bị xóa sổ hoàn toàn. Rất nhiều tuyến đường giao thông bị ngập, cầu cống hư hỏng nặng; thông tin liên lạc, điện bị mất trên diện rộng; tổng thiệt hại ước tính sơ bộ ban đầu đã lên tới hơn 1.500 tỷ đồng.

 

Song có biết bao nhiêu mất mát chưa thể và không thể thống kê hết được. Đó là những đứa trẻ đột ngột mất bố mẹ, vĩnh viễn mất nơi nương tựa; những gia đình nghèo bỗng chốc mất trắng nhà cửa, lương thực, đồ dùng sau bao năm tích góp; những làng xóm không biết đến bao giờ mới tìm lại được hình ảnh trù phú, thanh bình như xưa...

 

Trắng xóa là nước...

 

Trong mưa lũ, trách nhiệm của các cấp ủy chính quyền, đoàn thể đã được phát huy cao nhất; đạo lý truyền thống thương người như thể thương thân trong các tầng lớp nhân dân cũng đã và đang tỏa sáng nhất. Việc Đại hội Đảng bộ tỉnh Lần thứ 17 quyết định kết thúc sớm một buổi, toàn thể các đồng chí lãnh đạo tỉnh tới các ngành, các cấp đều tập trung về cơ sở chỉ đạo công tác cứu dân, khắc phục hậu quả mưa lũ đã được sự đồng tình rất cao của dư luận trong và ngoài tỉnh. Những chuyến hàng lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống chứa đựng tấm lòng của ngàn vạn tấm lòng hảo tâm của đồng bào cả nước và người Việt ở nước ngoài, của cộng đồng quốc tế đã kịp thời hướng về miền trung, về Nghệ An. Sự động viên kịp thời của Đảng, chính phủ, các địa phương doanh nghiệp cộng với nỗ lực của cấp ủy chính quyền đã giúp hàng chục ngàn hộ dân, các địa phương bị thiệt hại nặng nề thêm kiên cường vượt khó, gượng dậy, từng bước ổn định cuộc sống. Trong khó khăn nguy hiểm, có biết bao tấm gương cán bộ chiến sỹ, cán bộ cơ sở đã dũng cảm quên mình cứu người và tài sản của dân. Nhiều người dân đã không chút lưỡng lự khi bỏ tất cả tài sản của gia đình mình để cứu bà con, chia sẻ với người xung quanh từng bát cơm, lít nước. Tất cả những nỗ lực không thể kể hết đã giúp cho hàng chục ngàn người dân vùng lũ ấm lòng hơn, thêm tin yêu vào Đảng, nhà nước, thêm nghị lực để vượt qua gian khó.

 

Lãnh đạo TP Vinh trao hàng cứu trợ cho nhân dân bị lũ lụt
 
Hội Chữ thập đỏ trao hàng cứu trợ cho nhân dân vũng lũ Diễn Châu
 
Đẹp quá tình quân dân...
 
Công an viên chèo thuyền đi phát hàng cứu trợ

 

Mưa đã dần ngớt, cơn lũ dần qua đi. Nhưng những hậu quả nặng nề thì không dễ gì khắc phục trong ngày một ngày hai. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường trên diện rộng; dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh cho người dân vùng lũ. Đó là việc phải khẩn trương khôi phục lại sản xuất, chăn nuôi; tu bổ trường lớp học để trẻ em sớm đến trường; khôi phục lại hệ thống giao thông, điện và thông tin liên lạc. Và còn phải gồng mình để phòng chống đối phó với cơn bão số 6 đang có nguy cơ đổ bộ vào Nghệ An.

 

Hơn lúc nào hết, cần sự vào cuộc với mức cao nhất của các cấp ủy, chính quyền đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở. Cần sự góp sức, góp của động viên chia sẻ của mọi người dân ở các vùng ít bị thiệt hại hơn. Hãy làm tất cả những gì có thể để không để không một người dân nào bị đói, bị rét và thiếu nơi nương tựa. Hãy làm tất cả những gì có thể để giúp các địa phương và đồng bào vùng lũ nhanh chóng vượt qua khó khăn chồng chất, sớm ổn định cuộc sống. Đó là trách nhiệm, là tấm lòng của mỗi một người có lương tâm trong chúng ta.

 

(Nguyễn Như Khôi)