Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

An toàn lao động trong khai thác sản xuất đá công nghiệp - xây dựng ở Nghệ An

10:13, 22/11/2010
Ở Nghệ An hiện có 150 mỏ đá các loại, đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên rất có giá trị góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích từ dạng tài nguyên khoáng sản này mang lại thì cũng có một thực tế chưa bao giờ hết tính nóng hổi. Đó chính là đảm bảo an toàn cho công nhân, người lao động khi tham gia

 

Anh Nguyễn Trung Điệp bắt đầu ngày mới bằng những thói quen thường nhật. Mọi thao tác cứ như được lập trình sẵn từ nhiều năm nay đối với chàng trai vừa bước qua tuổi 23. Anh Điệp là thợ điêu khắc đá lành nghề, quê ở Thanh Hoá, anh đến huyện Quỳ Hợp - Nghệ An tìm cơ hội việc làm. Tại doanh nghiệp đá mỹ nghệ tư nhân Thiện Tâm, người ta đưa cho Điệp những khối đá để anh biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật. Ngoài tiền công cho mỗi sản phẩm được tạo ra, Nguyễn Trung Điệp cũng như những người thợ khác chẳng có thêm bất cứ một quyền lợi gì. Chính vì thế những họ phải tự lo mọi thứ, tất nhiên kể cả phương tiện bảo hộ lao động – anh Điệp cho biết.

 

May mắn hơn anh Nguyễn Trung Điệp, gần 120 công nhân của Công ty cổ phần khai thác và xuất nhập khẩu Thiên Long được lao động trong một môi trường khá ổn định. Họ được Công ty trang bị áo, quần, giày và các phương tiện bảo hộ lao động khác. Trong điều kiện làm việc ẩn chứa nhiều rủi ro thì đó là điều thiết yếu. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ giới hóa, hiện đại hóa hệ thống dây chuyền - thiết bị - công nghệ sản xuất đã hạn chế được hoạt động lao động thủ công, nhờ vậy giảm thiểu được các vấn đề liên quan đến an toàn lao động. Tuy vậy, điều cốt lõi của việc đảm bảo an toàn lao động phụ thuộc vào trách nhiệm của người sử dụng lao động và ý thức của mỗi công nhân. Ông Ngô Thanh Hải - Phó GĐ Cty cổ phần khai thác và XNK Thiên Long thừa nhận năng suất lao động, lợi ích của Công ty phụ thuộc nhiều vào những người công nhân nên Công ty đã trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho công nhân.

 

Những công nhân theo mùa vụ thường đứng trước nguy cơ về ATLĐ

 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp - tỉnh Nghệ An có 1.532ha mỏ khoáng sản các loại, trong đó chiếm diện tích nhiều nhất là mỏ đá trắng với 851,44ha tiếp đến là mỏ thiếc: 680,56ha, mỏ vàng 48ha và mỏ chì, kẽm, sắt 82,31ha. Cũng tại huyện Quỳ Hợp, tính đến thời điểm này, có 130 doanh nghiệp khai thác, sản xuất, chế biến khoảng sản với hàng ngàn công nhân, người lao động. So với những năm trước đây, hiện nay các chủ doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đã có sự quan tâm nhiều hơn đến việc đảm bảo điều kiện, môi trường làm việc cho người lao động. Mặc dù vậy, với tính chất lao động nặng nhọc, những công nhân khai thác đá ở Quỳ Hợp luôn phải đối điện với nhiều nguy hiểm rình rập, tính mạng và sức khỏe có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Trong khi đó, có một thực tế cho thấy nhiều người lao động vẫn chủ quan và thụ động trong việc đảm bảo an toàn trong sản xuất và khai thác nên đã có không ít vụ tai nạn lao động đã xảy ra trong thời gian qua.

 

Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ở Nghệ An không ngừng tăng lên. Nếu năm 2008, toàn tỉnh có 5.700 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thì con số này năm 2008 là 6.500 doanh nghiệp và đến năm 2010 này  là 7.500 doanh nghiệp. Điều này cũng có nghĩa, đã và đang có một lượng lớn công nhân, người lao động làm việc tập trung tại các cơ sở, đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh phải đối diện với các nguy cơ phát sinh liên quan đến vấn đề an toàn lao động – phòng chống cháy nổ. Và hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản nằm trong nhóm có nguy cơ cao.

 

Cũng như Quỳ Hợp, huyện Quỳnh Lưu tập trung một lượng lớn các doanh nghiệp khai thác sản xuất khoảng sản, trong đó nhiều nhất là khai thác đá xây dựng. Đến thời điểm này đã có 25 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác 27 điểm mỏ. Gồm 16 mỏ đá xây dựng, 2 mỏ đá vôi, 1 mỏ đất sét dùng sản xuất xi măng, 1 mỏ bazan, 1 mỏ silic, còn lại là các mỏ đất san lấp. Có thể nói, với trên 300ha diện tích núi đá, đã tạo ra tiềm năng, lợi thế rất lớn để huyện Quỳnh Lưu nâng cao giá trị kinh tế bằng sản xuất công nghiệp. Cũng từ nguồn tài nguyên thiên nhiên này, nhiều doanh nghiệp đã tạo được sự bứt phá, khẳng định vị thế của mình trên thị trường. Nhưng người dân huyện Quỳnh Lưu chắc hẳn chưa quên vụ sập đá làm chết 3 người, bị thương 7 người tại khu vực mỏ đá Lèn Nậy thuộc thị trấn Hoàng Mai hồi đầu  năm 2008. Rút kinh nghiệm từ vụ tai nạn, tháng 5 năm 2009, sau khi được cấp phép khai thác trở lại, hoạt động khai thác, sản xuất khoáng sản ở đây đã đi vào quy củ với sự kiểm tra thường xuyên của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Bình Minh - doanh nghiệp được giao khai thác khoáng sản tại Lèn Nậy cũng đã dành sự quan tâm hơn cho công tác đảm bảo an toàn lao động và sử dụng vật liệu nổ. Trong năm 2010, Công ty này đã đầu tư trên 300 triệu đồng cho việc đầu tư, nâng cấp các thiết bị, phương tiện đảm bảo an toàn cho công nhân khai thác mỏ. Ý thức của công nhân cũng đã được nâng lên đáng kể. Anh Nguyễn Văn Hùng - Công nhân Công ty TNHH Bình Minh cho biết: Nhận thức được công việc mình đang làm, anh em công nhân thường xuyên bảo ban nhau đảm bảo an toàn trong lao động. Về phần Công ty, một năm chúng tôi được cấp 3 bộ quần áo, giày, mũ bảo hộ lao động. Các chế độ bảo hiểm đầy đủ, hằng tháng công nhân được nhận đường sữa...

 

Tại mỏ đá Châu Lộc (Quỳ Hợp), dụng cụ khai thác đá của những công nhân ở đây là sợi dây... chão

 

Tuy vậy, không phải công nhân và người lao động nào cũng có cái may mắn được làm việc trong điều kiện được đảm bảo các yêu cầu cần thiết. Có một thực tế khác mà ai cũng nhận ra, đó là tại một số cơ sở khai thác, sản xuất khoáng sản tình trạng người lao động đang làm việc trong môi trường nguy hiểm nhưng các phương tiện bảo hộ rất thô sơ. Và điều đáng lo ngại hơn cả là có một bộ phận người lao động không được trang bị về kiến thức và kỹ năng đảm bảo an toàn lao động và phòng chống cháy nổ. Đó là những nông dân tìm đến mỏ đá khi rỗi việc, là những đối tượng lao động thời vụ được trả công cho mỗi khối lượng đất đá cụ thể mà họ tiến hành bốc vác. Không ai có thể đưa ra được con số thống kê chính xác về lực lượng lao động thời vụ đã và đang tìm kiếm kế sinh nhai tại các mỏ đá. Chỉ biết rằng, họ là những người  thường xuyên phải đối diện với những rủi ro do quá trình lao động thiếu an toàn mang lại.

 

Trong hoạt động sản xuất công nghiệp, từ đầu năm đến nay, ở Nghệ An xảy ra 33 vụ tai nạn lao động làm chết 5 người và bị thương 31 người, giảm trên 50% số vụ và số người bị thương, chỉ tăng 1 người chết so với năm 2009. Mằc dù vẫn tồn tại nhiều phức tạp song có được kết quả trên đây là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan như: Công thương, Lao động thương binh & xã hội, Tài Nguyên - môi trường, công an... trong công tác quản lý  khai thác tài nguyên khoáng sản.

 

Để nâng cao năng lực sản xuất và qui mô khai thác, chế biến khoáng sản, trong thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đáng kể cho hệ thống giây chuyền, công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, việc cơ giới hóa cũng chưa thể thay thế được yếu tố thủ công của con người. Chính vì vậy, chỉ cần một tích tắc chủ quan, sơ suất người lao động sẽ tự biến mình trở thành nạn nhân của tai nạn lao động nên cùng với sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, người lao động cũng cần phải có ý thức, xác định trách nhiệm cao hơn khi tham gia vào dây chuyền khai thác, sản xuất khoáng sản. Đó cũng là cách người lao động tự bảo vệ mình và hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra.

 

(Đào Tuấn)