Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Lũ lớn không chỉ do thiên tai

08:54, 02/11/2010
Lũ lớn một phần còn do nhân tai, do sự tàn phá môi trường rừng, do xây dựng các công trình thủy điện, đường giao thông làm biến đổi dòng chảy tự nhiên, chậm thoát nước ra biển…

 

  
   

Trận lũ lụt miền Trung trong những ngày qua được coi là lớn nhất trong vòng 100 năm nay. Khi hạn thì đến khô kiệt, khi lũ lụt thì dữ dội, gây thiệt hại nặng nề mới thấy sự biến đổi ngày càng bất thường, phức tạp của thiên tai. Nhưng một nguyên nhân gây nên tình trạng ngập lụt nặng nề chưa từng thấy ở miền Trung hiện nay cũng một phần là do nhân tai, do sự tàn phá môi trường rừng, do xây dựng các công trình thủy điện, đường giao thông làm biến đổi dòng chảy tự nhiên, chậm thoát nước ra biển.

 

Hẳn nhiều người còn nhớ trận mưa bão hồi cuối tháng 11/2009 làm nhấn chìm nhiều bản làng, ruộng vườn ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong biển nước. Góp phần lũ chồng lên lũ là việc xả nước ở các hồ chứa của một số công trình thủy điện. Các chuyên gia thủy lợi cho rằng, nếu vận hành tốt thì bản chất thuỷ điện là cắt lũ nhưng vận hành không tốt, thiếu phối hợp và chỉ vì lợi ích cục bộ thì thuỷ điện trở thành cánh tay nối dài cho “thuỷ tinh”.

 

Có thể thấy, trong quá trình làm hồ đập thủy điện, do không có quy hoạch từ trước nên thấy chỗ nào có điều kiện là địa phương cắt đất giao cho chủ đầu tư. Làm thủy điện, người ta phải chặt cây, mở rộng đường, có khi làm biến mất cả một cánh rừng - điều kiện để bảo vệ những ngôi làng khỏi nước lũ.

 

Cũng có ý kiến cho rằng, sau khi hình thành đường Hồ Chí Minh và một số tuyến đường dọc theo khu vực miền núi của Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, việc thoát nước từ trên rừng xuống mất tính tự nhiên. Các tuyến đường nằm giữa vùng giữa đồng bằng và biển được nâng cao, một số tuyến sông làm đê rất cao. Do đó, nước trên đại ngàn chảy xuống bị chặn và không đủ khẩu độ cho nước chảy ra biển. Do vậy  mà ở trận lũ lụt này, nhiều huyện trên miền núi có độ cao cách 700 - 800m so với mực nước biển mà vẫn bị ngập sâu, nước lên đến nóc nhà.

 

Bài toán nữa được đặt ra là khi ta lấy 1.000 ha làm lòng hồ thuỷ điện thì chúng ta còn mất thêm 1 đến 2.000 ha đất rừng hay đất nông nghiệp ở thượng nguồn vì người dân không có chỗ sinh sống, sản xuất nên họ lại phải di dời đến vùng khác. Như vậy khi làm thủy điện, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp.

 

Ở trận lũ này, đập hồ Kẻ Gỗ, đập Hố Hô, hay hồ chứa ở thủy điện Hương Sơn đều đứng trước nguy cơ vỡ đập. Nếu điều không may đó xảy ra thì hàng trăm triệu mét khối nước sẽ nhấn chìm nhiều vùng ở Hà Tĩnh, Quảng Bình trong biển nước, những thiệt hại về người và tài sản lớn gấp trăm lần. Tuy điều đó đã được ngăn chặn nhưng vừa rồi, khi hồ Kẻ Gỗ xả nước nhiều ngày liền cũng đã làm những con đường ở thành phố Hà Tĩnh thành sông. Khi nước xả của hồ thủy điện cộng với nước đại ngàn đổ xuống lại không chảy được theo quy luật tự nhiên vì bị các tuyến đường và đê ở các vùng ven biển đều đã được nâng cao chặn dòng. Cho nên, các huyện miền núi như Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vừa rồi bị thiệt hại nặng nhất, bị ngập một cách bất ngờ nhất.

 

Vẫn biết thiên tai thật khó lường nhưng để giảm bớt những thiệt hại do thiên tai gây ra, chúng ra cũng cần điều chỉnh những hành động do con người gây nên. Qua trận đại hồng thủy này, thêm một lần nữa, Chính phủ và các địa phương cần kiểm tra, rà soát lại hệ thống thủy điện và thực hiện quy hoạch một cách trọn vẹn. Đáng phát triển thủy điện đến đâu, đáng mở giao thông đến đâu, nên tính toán cho thật kỹ, hài hòa giữa lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và quan trọng hơn là an toàn cho người dân.

 

Việc quản lý nhà nước đối với các công trình thủy điện cũng nên được điều chỉnh, thống nhất. Bình thường khi không có lũ, thì Bộ Công thương chịu trách nhiệm về việc không để các đập thủy điện vỡ và vẫn tích được nước sản xuất điện; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm để không xảy ra tình trạng ngập úng hoặc hạn hán dưới hạ lưu, Bộ Tài nguyên - môi trường có nhiệm vụ xây nhiều hồ tích lũ. Nhưng khi lũ về thì ba bộ này không thể đứng riêng rẽ được, mà nên có sự phối hợp đồng bộ. Các địa phương cũng cần thận trọng khi đầu tư xây dựng thủy điện, không những chỉ thấy cái lợi trước mắt là có nhà máy phát điện, có hồ chứa nước để có nước tưới, sinh hoạt, mà quên đi việc giữ rừng, bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững của dân sinh...

 

(Theo VOVnews)