Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An: Nguy cơ tái phát các bệnh do thiếu iốt

15:40, 02/11/2010
Sau 10 năm thực hiện chương trình y tế quốc gia về phòng chống các rối lọan do thiếu iốt, Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vào năm 2010, sau khi hoàn thành chương trình, bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu iốt lại đang có nguy cơ tái phát, đe dọa sức khỏe và cuộc sống của người dân các huyện miền núi.

 

Đã từ rất lâu, gia đình chị Lê Thị Hồng ở thị trấn Hưng Nguyên luôn có thói quen dùng muối iốt trong các bữa ăn hàng ngày. Qua sách báo, chị biết được những tác dụng của muối iốt đối với sức khỏe con người. Với những lợi ích mà muối iốt mang lại, không chỉ dùng thường xuyên trong gia đình mà chị còn tuyên truyền cho những người xung quanh cùng hiểu và biết sử dụng muối iốt.

 

Trung tâm y tế huyện Quỳ Hợp phát tờ rơi tuyên truyền về tác dụng của muối i ốt

 

Để duy trì độ phủ muối iốt trên địa bàn toàn huyện, những năm qua, huyện Hưng Nguyên luôn chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền. Ngành y tế phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, nông dân, ngành giáo dục, lồng ghép triển khai các hoạt động truyền thông, tuyên truyền thường xuyên trong nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú. Nhờ vậy, đại bộ phận người dân Hưng Nguyên đã nhận thức được tác dụng của việc sử dụng muối iốt để phòng bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu iốt gây nên. Đến nay, số đại lý bán muối iốt và các hộ kinh doanh lồng ghép bán muối iốt trên địa bàn Hưng Nguyên tăng hơn 140 hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc mua và dùng muối iốt. Riêng trong năm nay, số lượng muối iốt toàn huyện đã sử dụng trên 223 tấn. Tỷ lệ hộ dân dùng muối iốt đạt 93,2%, bình quân mỗi người sử dụng 2kg/ năm. Trong đó, phụ nữ có con nhỏ dưới 5 tuổi sử dụng muối iốt đạt 95,6%, tỷ lệ trẻ em từ 8-12 tuổi mắc bệnh bướu cổ giảm chỉ còn 0,36%. Bác sỹ Nguyễn Đình Thanh, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hưng Nguyên khẳng định: Trung tâm đã giao chỉ tiêu cho các Trạm y tế quy định số điểm bán muối iốt trên địa bàn toàn huyện, tăng cường tổ chức các điểm bán muối phục vụ đầy đủ cho người dân, thiết lập các hệ thống lưu thông phân phối thông qua các chi hội phụ nữ, cung ứng đến tận người dân, hàng tháng duy trì công tác giám sát đến từng xã từng thôn, từng xóm để giám sát, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân rằng dùng muối iốt là để phòng bệnh.

 

Trong khi việc sử dụng muối iốt của người dân các huyện đồng bằng hiện nay đã trở thành nhu cầu thiết yếu và thường nhật thì tỷ lệ dùng muối iốt ở các huyện miền núi lại giảm đáng kể. Nguyên nhân chính đó là trong năm nay, sau khi kết thúc chương trình y tế quốc gia phòng chống các rối loạn do thiếu iốt, Nhà nước không còn trợ giá sản xuất, trợ cước vận tải cho các đơn vị sản xuất và lưu thông mặt hàng muối iốt. Vì vậy, lượng muối iốt phân phối cho các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An giảm mạnh. Từ đó, dẫn đến lượng muối sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp cũng giảm hẳn so với trước đây. Mặc dù muối iốt lưu thông và sử dụng trên địa bàn miền núi giảm, nhưng trong năm nay 3 chỉ số của chương trình vẫn đạt yêu cầu duy trì bền vững. Trong đó, tỷ lệ về bướu cổ trong toàn tỉnh đạt chỉ tiêu 1,22%, độ phủ muối đạt 92% và mức iốt niệu trung vị đạt 13,5mcg/dl (microgam/đêxilít). Nhưng điều đáng báo động ở đây, đó là: Nếu tình trạng muối iốt giảm lưu thông trên địa bàn các huyện miền núi như thời gian qua thì chỉ trong vòng 3 năm tới nguy cơ tái phát bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu iốt là khó có thể tránh khỏi. Bác sỹ Nguyễn Văn Hoàn, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Nghệ An đề nghị UBND tỉnh và chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo sản xuất và lưu thông cung ứng muối iốt trên địa bàn của mình. Về phía ngành thương mại cần nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao là cung ứng và lưu thông muối iốt, đặc biệt là quản lý muối thường không trộn iốt trên địa bàn miền núi. Trên cơ sở đó đề xuất UBND tỉnh có chính sách trợ cước, trợ giá muối iốt trên địa bàn miền núi, nếu trung ương cắt thì tỉnh có chính sách hỗ trợ một phần và cắt giảm dần dần, tránh hẫng hụt trong sử dụng muối iốt của người dân.

 

Cuộc sống người dân các địa bàn miền núi, vùng sâu vùng cao hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy, giải pháp trước mắt là Nhà nước cần quan tâm tiếp tục có các chính sách hỗ trợ. Về lâu dài, các cấp ủy chính quyền, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng nhận thức cho nhân dân hiểu sử dụng muối iốt là biện pháp hữu hiệu, rẻ tiền nhưng bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Có như vậy, bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu iốt mới được thanh toán một cách bền vững.

 

(Hiến Chương)