Chung tay hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
Cho đến thời điểm này, lũy tích số trẻ em bị lây nhiễm HIV từ mẹ trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 61 cháu, chiếm 1,2% tổng số người bị nhiễm. Tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS trong trẻ em và tình hình trẻ em ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có xu hướng đang gia tăng nhanh. Đa số trẻ em có HIV và ảnh hửơng bởi HIV đều có bố mẹ nhiễm HIV và phần lớn đã chết vì AIDS. Tình trạng xa lánh, thiếu sự quan tâm của gia đình, xã hội đối với các em đã đẩy các em rơi vào tình cảnh thiếu sự chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị chu đáo. Vì vậy, sức khỏe của các em giảm sút, cơ hội kéo dài cuộc sống đang dần bị thu hẹp. Trong khi đó, số trẻ em được tiếp cận với thuốc kháng virut HIV (ARV) không đáng kể so với nhu cầu do việc tuyên truyền, tư vấn và tổ chức mạng lưới cung cấp dịch vụ chưa đồng bộ.
Trước thực trạng đó, Ban thường vụ tỉnh ủy đã ban hành công văn chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quán triệt Chỉ thị số 54 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới. Cùng với đó, UBND tỉnh đã có quyết định số 1406 về việc ban hành Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, đã đặt mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện đến năm 2010: có ít nhất 60% đối tượng trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận với chính sách xã hội; 100% trẻ em trong diện quản lý được chăm sóc, điều trị, chăm sóc tâm lý - xã hội.
Trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV cần được chăm sóc đặc biệt.(Ảnh minh họa)
|
Nhờ phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và huy động sức mạnh tổng hợp của tòan xã hội chăm lo tới các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, đến nay tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng ở Nghệ An đã được khống chế xuống dưới mức 0,2% số dân số. Trong đó, tỷ lệ nhiễm HIV ở trẻ em từng bước được kiểm soát. Các hoạt động can thiệp dự phòng tích cực về phòng chống lây nhiễm HIV cho trẻ em được tăng cường như tuyên truyền tư vấn nâng cao kiến thức HIV/AIDS cho các học sinh, các biện pháp phòng lây nhiễm trong cộng đồng. Công tác tuyên truyền được thực hiện tốt, nhờ vậy tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em có HIV đã được cải thiện đáng kể. Tất cả các em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đều được các cơ sở giáo dục nhận vào học tập, hòa nhập với các bạn cùng trang lứa. Các chương trình dự án quốc gia, quốc tế triển khai ở Nghệ An được tổ chức thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ lây truyền dịch HIV/AIDS trong xã hội, nhất là đối với trẻ em.
Để có được kết quả trên, các cấp các ngành trong đó ngành chức năng là y tế, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, công an đã tăng cường nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý, đẩy mạnh cuộc vận động “3 tự” trong chính những người nhiễm HIV và từng bước xã hội hóa công tác phòng chống HIV/AIDS. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng phối hợp truyền thông theo nhóm để những người có hành vi nguy cơ hoặc vợ người có HIV, bà mẹ mang thai có HIV đến các cơ sở dịch vụ y tế để được tư vấn, xét nghiệm tự nguyện, phát hiện điều trị kịp thời, nhờ vậy đã giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con.
Tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song công tác chăm sóc sức khỏe, điều trị cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS ở Nghệ An vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó phải kể đến nhận thức và trách nhiệm của chính quyền các cấp và cộng đồng về ngăn chặn và phòng chống HIV/AIDS, nhất là trẻ em có HIV chưa đầy đủ; nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này còn ít ỏi.. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền trong các nhà trường, đòan thể và xã hội về chống kỳ thị, phân biệt đối xử và trách nhiệm chia sẻ giúp đỡ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chưa liên tục, hình thức chưa phù hợp…
Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới Nghệ An cần phải sớm triển khai đồng bộ các giải pháp. Về vấn đề này, ông Bùi Nguyên Lân, Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho rằng: Cần tăng cường nhận thức cho mọi cấp, mọi ngành, mọi người về các trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS để tránh kỳ thị, cho các em hòa nhập vào cộng đồng, được hưởng các quyền lợi trẻ em; Chính quyền địa phương phải thực hiện đúng các chính sách cho trẻ em HIV/AIDS mà Đảng, Nhà nước đã ban hành như chính sách học tập, chăm sóc sức khỏe, trợ cấp nuôi dưỡng, và tăng cường vận động các cơ sở giáo dục tiếp nhận đối tượng trẻ em này.
Cùng với các giải pháp trên, cần phải đưa công tác phòng chống HIV/AIDS là một tiêu chí đánh giá vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đòan thể và các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang. Có như vậy, mới tạo được phong trào tòan xã hội bảo vệ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, giúp các em hòa nhập với cộng đồng, xóa được mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.
(Hiến Chương)