Nghệ An: Đời sống công nhân các KCN đang "bỏ ngỏ"
Tại khu công nghiệp Bắc Vinh, từ ngày có cái chợ cóc mọc lên đã thu hút được một lượng lớn lao động từ địa bàn các huyện về đây tìm việc làm. Gọi là chợ nhưng thực ra chỉ dăm bảy sạp hàng bán những thứ rau, củ quả, thực phẩm rẻ tiền và chỉ họp mỗi ngày khoảng một tiếng đồng hồ khi đến giờ tan ca của công nhân. Ở đây thứ hàng hoá bán chạy nhất vẫn là rau, củ.
Nguyễn Thị Lan, quê Nam Đàn, là công nhân của Công ty May Kim Anh (khu công nghiệp Bắc Vinh) hiện đang ở trọ cùng với bạn nữ trong căn phòng rộng chưa đến 15m2 và rất thiệt thòi khi phải sống trong môi trường 3 không: không ti vi, không đài báo, không có cơ hội giao lưu với bên ngoài. Mỗi ngày Lan và những công nhân khác phải làm việc đến 11 tiếng đồng hồ tại nhà máy nhưng lương mỗi tháng chỉ nhận 1,3 triệu đồng. Nếu không có khoản gạo, rau do hai chị em cùng phòng thay nhau về quê mang đến thì số tiền lương đó sau khi trừ tiền thuê nhà, điện nước… cũng không còn là bao.
Công nhân tại KCN Bắc Vinh vì đồng lương ít ỏi nên chủ yếu gắn bó với chợ cóc họp sau giờ tan ca. |
Tại khu công nghiệp Bắc Vinh, có một nhà máy mà không phải ai cũng muốn làm. Đó là nhà máy xử lý rác thải Đông Vĩnh. Kể cả nhũng công nhân không có tay nghề cũng được nhận vào nhà máy. Nhưng làm công nhân ở đây không hề dễ chịu. Từ sáng đến tối, họ phải ngập lẫn trong rác với đủ thứ mùi nồng nặc mà nếu người không quen không thể chịu nổi. Nhưng vì miếng cơm, manh áo những người công nhân này đành chấp nhận. Đã có thâm niên 6 năm làm tại nhà máy, lương một phó quản đốc cũng khá nhưng anh Nguyễn Phi Đen, quê Diễn Châu vẫn không dám đưa vợ con vào với mình vì sợ cảnh vợ chồng con cái níu chân nhau trong khu nhà trọ tồi tàn mà anh đang ở.
Hiện Nghệ An có 9 KCN thu hút hơn 5.400 lao động làm việc. Thu nhập bình quân một tháng (kể cả tiền lương và tiền thưởng) của người lao động làm việc tại các khu công nghiệp trong các doanh nghiệp bình quân từ 1.3 triệu đồng đến 1.9 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập trên, chỉ có những người lao động tại địa phương mới có thể bảo đảm các nhu cầu sống tối thiểu cho bản thân, còn những người lao động đến từ các huyện khác thì rất khó khăn do phải trang trải thêm nhiều chi phí khác như thuê nhà ở, tiền điện, tiền nước,… (chưa kể đến chi phí cho nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí). Sự gia tăng nhanh về số lượng lao động nhập cư đến làm việc tại các khu công nghiệp đã làm nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc cho các địa phương có các khu công nghiệp, đặc biệt là vấn đề nhà ở cho người lao động có mức thu nhập thấp. Thực tế quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Nghệ An hiện nay thường chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến tính bền vững trong phát triển; chưa chú trọng gắn việc xây dựng quy hoạch chi tiết từng khu công nghiệp với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, đặc biệt là đối với người lao động nhập cư. Theo kết quả nghiên cứu chưa chính thức, hiện nay, lao động tại các khu công nghiệp của Nghệ An vẫn còn trên 90% công nhân vẫn phải thuê nhà trọ, với diện tích bình quân 5m2/người. Chất lượng nhà cho thuê, điều kiện vệ sinh, nước, điện chưa đảm bảo yêu cầu. Đời sống văn hóa tinh thần còn nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó thiếu nhất là các cơ sở sinh hoạt văn hóa thể dục thể thao, giải trí… Do lao động nhập cư làm việc tại các khu công nghiệp tăng mạnh về số lượng, dẫn tới nhu cầu nhà ở tăng cao, trong khi hầu hết chính quyền địa phương và các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp đều chưa chú trọng tới việc xây dựng nhà ở cho công nhân thuê với giá thấp. Điều này chủ yếu do việc xây dựng nhà ở đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm, hiệu quả đầu tư không cao, nên rất ít doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Thu nhập thấp, trong khi đó phải chi tiêu cho thuê phòng trọ với giá cao, kèm theo một số khoản chi tiêu bắt buộc khác như: chi phí đi lại, điện thoại, ốm đau, hầu hết công nhân đều phải "co kéo" tiết kiệm từ bữa ăn. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, phải sinh sống trong khu nhà trọ chật chội, thiếu thốn, ăn uống đạm bạc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tái tạo sức lao động của công nhân. Thực trạng này chắc chắn ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng làm việc của người lao động - Ông Nguyễn Bá Dương, Phó chủ tịch LĐLĐ huyện Nghi Lộc thừa nhận.
Sau giờ làm, những công nhân này sống trong không gian nhà trọ 5m2 |
Thời gian gần đầy, nhằm thu hút lao động, một số doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn, tỉnh đã đầu tư xây dựng nhà cho công nhân. Khu lưu trú dành cho công nhân của nhà máy sản xuất tấm lợp Việt Nhật thuộc công ty CP vật tư thiết bị và xây dựng Nghệ An tuy chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu ở của công nhân nhà máy nhưng cũng được xem là một trong những nơi khá lý tưởng đối với tất cả lao động tại các khu công nghiệp hiện nay. Ngoài dãy phòng ở thoáng đãng, sạch sẽ, khu lưu trú còn có một sân chơi mát mẻ, có nhà sinh hoạt tập thể, nhà ăn… Những người có gia đình còn được sắp xếp ở phòng riêng. Cuối tuần, công đoàn, đoàn thanh niên còn tổ chức giao lưu thể thao, hát karaoke miễn phí để công nhân giải trí, tái tạo sức lao động.
Công ty CP khoáng sản Á Châu ở KCN Nam Cấm là một doanh nghiệp có các phong trào đoàn thể hoạt động khá mạnh. Mới đi vào hoạt động sản xuất được hơn 2 năm, nên số lao động xa nhà của công ty vẫn đang phải thuê trọ xung quanh khu công nghiệp. Tuy chưa thể lo được chỗ ở cho công nhân nhưng với việc hỗ trợ 13 ngàn đồng tiền ăn ca mỗi ngày và phục vụ 100% công nhân ăn uống mỗi ngày 3 bữa tại nhà máy đã giúp công nhân giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Ngoài việc xây dựng nhà ăn thoáng mát, vệ sinh, công ty còn đặc biệt chú ý đến chất lượng khẩu phần ăn cho công nhân đủ để đảm bảo sức khoẻ và dinh dưỡng cho người lao động.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp như thế này chỉ đếm trên đầu ngón tay, cho dù các doanh nghiệp đều biết và khẳng định: nhà ở ổn định và các chế độ sinh hoạt văn hoá tinh thần cho người lao động không chỉ có ý nghĩa xã hội mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến yếu tố kinh tế của doanh nghiệp.
Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ngày 10/7/2010, đã ra Nghị quyết số 317 về chính sách hỗ trợ đối với các dự án nhà ở thu nhập thấp tại khu đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, áp dụng thí điểm trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, các dự án nhà ở thu nhập thấp tại các khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngoài việc được hưởng cơ chế chính sách ưu đãi hiện hành của Trung ương còn được hưởng các chính sách hỗ trợ 100% của Tỉnh về kinh phí khảo sát, lập quy hoạch, bồi thường GPMB, khối lượng san nền… Được phép sử dụng tối đa 20% quỹ đất ở của dự án để làm nhà ở thương mại. Hy vọng với chủ trương mới này Nghệ An sẽ có được các dự án nhà ở thu nhập thấp được thực thi và người lao động tại các KCN sẽ có cơ hội an cư, lạc nghiệp.
(Xuân Hướng)