Nghệ An gấp rút phân bổ tiền, hàng cứu trợ lũ lụt
Với đặc thù nằm cuối nguồn nước ở Đông Bắc huyện Nghi Lộc nên trong đợt lụt tháng 10 Nghi Xá đã là 1 trong những xã thiệt hại nặng nề nhất của huyện. Xã có 2 người chết, ngập 120 nhà, trong đó có một nửa xóm bị cô lập trong 5 ngày trời. Toàn bộ diện tích lúa, rau màu và nuôi trồng thủy sản của xã hầu như mất trắng. Các công trình phúc lợi công cộng, các tuyến đường giao thông, đê ngăn mặn bị xói lở nặng. Thế nhưng đến thời điểm này, tức là sau trận lụt gần 2 tháng, với sự nỗ lực khắc phục của chính quyền và người dân, nhiều diện tích cây trồng đã lại được phủ kín từ nguồn giống hỗ trợ. Nghi Xá có được kết quả đó cũng là nhờ một phần lớn sự sẻ chia của đồng bào cả nước trong cơn hoạn nạn.
Nghệ An tiếp nhận cứu trợ tại UBMTTQ tỉnh (Ảnh: Lan Anh) |
Theo báo cáo, đợt lũ lụt tháng 10 vừa qua ở Nghệ An đã cướp đi sinh mạng của 39 người, thiệt hại kinh tế ước tính gần 1.800 tỷ đồng. Ngay từ trong mưa lũ, người dân vùng lũ Nghệ An đã nhận được sự đùm bọc, sẻ chia của đông đảo bạn bè trong và ngoài nước. Tính đến hết ngày 30/11, đã có khoảng 700 đoàn cứu trợ gồm các tập thể, cá nhân ủng hộ nhân dân vùng ngập lụt thông qua Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An là 33,6 tỷ đồng tiền mặt và nhiều lương thực, hàng hóa trị giá ước tính gần 25 tỷ đồng. Ban Cứu trợ của tỉnh và các huyện đã thực hiện việc tiếp nhận và phân bổ theo Nghị định 64/2008 của Chính phủ và thông tư 72 của Bộ Tài chính. Trong đó quan điểm là ưu tiên những địa phương bị thiệt hại nặng, những gia đình có người chết, nhà bị trôi, bị sập. Tuy nhiên, trên thực tế việc tiếp nhận phân bổ cũng gặp không ít khó khăn bởi các đoàn cứu trợ về dồn dập cùng lúc, nhiều đoàn chủ động về các cơ sở. Hàng hóa thì đa dạng nên không tránh khỏi sự mất công bằng ở cơ sở - Ông Nguyễn Quang Hạnh - PCT TT UBMTTQVN tỉnh cho biết.
Đợt lũ lụt tháng 10 đã làm thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân các địa phương.Việc hỗ trợ khẩn cấp như cứu đói lương thực, thực phẩm, chăn màn, quần áo, thuốc chữa bệnh, hỗ trợ tiền mai táng đối với gia đình có người chết; thăm hỏi gia đình có người bị nạn đã được các cấp triển khai kịp thời. Tuy nhiên, vấn đề các địa phương trăn trở hiện nay là các hỗ trợ có tính chất lâu dài cho người dân. Đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp, năm nay được xem là năm đầy vất vả bởi trước đó là hạn hán, dịch bệnh tiếp đến là lũ lụt đã làm cho nông dân gặp nhiều khó khăn.
Nghị định 64/2008 của Chính phủ quy định thời gian vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ ở cấp trung ương, cấp tỉnh kéo dài không quá 60 ngày, kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động đóng góp và thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp. Như vậy Ban cứu trợ của tỉnh đã thực hiện đúng thời gian tiếp nhận và phân bổ bởi tính từ thời điểm vận động đến nay chưa tròn 2 tháng. Hiện nay, nhiệm vụ đang được Ban Cứu trợ tỉnh khẩn trương triển khai và phấn đấu hoàn thành trước trung tuần tháng 12 là lập dự kiến phân bổ nguồn tiền cứu trợ hơn 33 tỷ đồng cho các địa phương bị thiệt hại. Ông Nguyễn Quang Hạnh - PCT TT UBMTTQVN tỉnh cho biết thêm: Đây là nguồn tiền lớn nên cần có các cứ liệu chính xác để phân bổ. Trong tuần này, UBMTTQ tỉnh sẽ xây dựng phương án, xin ý kiến của thường trực tỉnh ủy và các thành viên về những định hướng cấp phát và quan trọng nhất là căn cứ vào xác định thiệt hại.
Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, của chính bản thân người dân và sự hỗ trợ kịp thời của các tổ chức, cá nhân, người dân vùng lũ Nghệ An đang từng ngày khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của mình. Điều mà Ban cứu trợ tỉnh trăn trở là Ban cứu trợ, chính quyền các cấp từ cơ sở cần phối hợp tốt hơn nữa từ công tác rà soát, thẩm tra, cung cấp số liệu đến tiếp nhận và cấp phát tiền cứu trợ để đảm bảo việc phân bổ kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng nhằm giúp người dân và các địa phương bị ảnh hưởng giảm bớt khó khăn.
(An Nhân)