Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Người bảo tồn giống rùa Cù Lú ở vùng biên

15:39, 05/12/2010
Rùa Cù Lú là động vật hoang dã thuộc nhóm quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Trước thực đó vẫn có một người đang miệt mài tìm cách bảo vệ giống Cù Lu quý hiếm này, đó là anh Vi văn Du ở huyện vùng cao Tri Lễ Quế Phong.

 

Anh Vi Văn Du sinh ra và lớn lên ở xã vùng biên Tri Lễ, cả một đời gắn bó với núi rừng nên thấu hiểu được nỗi đau mất rừng, mất dần các loại động thực vật đã gắn bó với tuổi thơ và kỷ niệm. Kinh tế xã hội phát triển, nhiều người lên Tri Lễ mua rùa Cù Lu với giá cao, nguồn Cù Lu từ rừng ngày càng khan hiếm. Ý nghĩ nuôi Cù Lu để bảo tồn loài động vật quý hiếm đã thôi thúc anh quyết định mua lại Cù Lu khoẻ mạnh, hoặc những con còn nhỏ từ những người thợ săn về nuôi để nhân giống.

 

Rùa Cù Lu là động vật quý hiếm, có thân hình nhỏ, đầu to giống như mỏ chim vẹt nên còn gọi là Rùa Mỏ Vẹt, mai rùa rất đẹp và dưới đuôi mắt có một vệt vàng nhạt chạy từ mắt tới cổ. Chiều dài của nó khoảng từ 15-18cm, thức ăn chủ yếu là giun, dế, côn trùng và những động vật không xương sống. Rùa Cù Lu thích sống ở vùng khe suối trong rừng sâu, nhiệt độ thấp (khoảng 20 độ c). Cũng như nhiều loài rùa khác, mỗi năm sinh sản 2 lứa, nhưng tỷ lệ rùa cu lu sống sau khi trứng nở rất thấp. Cho đến nay, ngoài kinh nghiệm vốn có thì chưa có một cuốn sách hướng dẫn kinh nghiệm nuôi giống rùa này.

 

Tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong chỉ còn khoảng 20-30 con, một phần do nắng nóng loài rùa này không chịu được, một phần do lái thương lên lén lút mua với giá cao (khoảng 2,6 triệu đồng/kg) làm anh Du càng lo lắng hơn. Vì thế, anh Du đã vận động bà con cùng nuôi, vừa mang lại hiệu quả kinh tế lại có thể bảo tồn được rùa Cù Lu tốt hơn. Anh đã thuyết phục làm cho bà con hiểu, cho bà con đến thăm mô hình anh đang xây dựng. Bà con thấy vui, thấy có lợi và bắt đầu học tập, nuôi theo.

 

Để đảm bảo tính bền vững cho việc bảo tồn, phát triển và duy trì nòi giống của loài rùa Cù Lu, không chỉ mỗi cá nhân riêng lẻ như anh Du mà cần sự vào cuộc phối hợp và hỗ trợ của các ngành chức năng, chính quyền địa phương. Đặc biệt là các nhà khoa học, đồng thời, phải tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của Rùa Cù Lu, tìm ra các giải pháp khoa học để bảo tồn và phát triển giống rùa quý hiếm này.

 

(Vân Thanh)