Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nhìn lại công tác GDPBPL khu vực miền núi ở Nghệ An

15:21, 10/12/2010
Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong xây dựng đời sống xã hội, đặc biệt đối vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

 

Tỉnh Nghệ An có 11 huyện, thị xã miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những huyện miền núi cao, vùng biên giới thường là nơi xẩy ra không ít những trường hợp người dân vi phạm pháp luật từ việc di cư sang nước ngoài cho đến phá rừng làm rẫy, vận chuyển ma tuý… Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành riêng một đề án “Tăng cường công tác PBGDPL cho cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Thực hiện đề án này, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh đã phân công trách nhiệm cho các ngành liên quan, và hội đồng cấp dưới xây dựng các kế hoạch, cách làm cụ thể. Dựa vào đội ngũ báo cáo viên pháp luật từ tỉnh đến cơ sở, các CLB pháp luật, và mạng lưới tuyên truyền viên,  hoà giải viên, Hội đồng PBGDPL các cấp đã kịp thời phổ biến mọi vấn đề liên quan đến chính sách luật của Đảng và nhà nước. Các hình thức tuyên truyền được áp dụng, đó là: mở hội nghị tập huấn, cấp phát tờ rơi, tờ gấp, sổ tay pháp luật đến tận xóm, bản; thi tìm hiểu pháp luật, thi hoà giải viên cơ sở dưới hình thức sân khấu hoá; giới thiệu cập nhật các văn bản luật qua hệ thống Đài TTTH huyên, truyền thanh cơ sở… 5 năm qua, Sở tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực của đề án đã biên soạn hàng nghìn cuối tài liệu hỏi, đáp pháp luật; chỉ đạo phòng tư pháp các huyện mở hàng trăm cuộc tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp xã, báo cáo viên, tuyên truyền viên. Các hoạt động phổ biến pháp luật tới cộng đồng dân cư vùng miền núi, do đó không ngừng được lan toả rộng rãi qua các hình thức tuyên truyền, lồng ghép trên.

 

Chỉ tính 2 năm nay, 11/11 huyện miền núi đã tổ chức trên 800 cuộc tập huấn tuyên truyền các văn bản pháp luật gắn với trợ giúp pháp lý cá biệt, tư vấn giải đáp những thắc mắc về chế độ, chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của đồng bào dân tộc thiểu số. Sự thắc mắc, nhờ cậy đến pháp luât của một bộ phận dân cư vùng đồng bào thiểu sổ ngày một tăng lên, đã chứng tỏ sự chuyển biến nhập thức chấp hành pháp luât của bà con. Một khi biết dựa vào lẽ phải để phân biệt điều trái, người dân đã tự điều chỉnh được mọi hành vi của mình, để sống tốt hơn trong mọi mối quan hệ.

 

Tại các địa bàn miền núi cao, trước đây, do thiếu sự tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đầy đủ, nên người dân lâm vào cảnh khổ trăm bề không biết cậy vào ai. Nay thì đã khác! Người dân đã biết dựa vào pháp luật để đòi quyền lợi cho mình. Trước kia, do không hiểu biết, hoặc do xúi giục, đồng bào dân tộc Mông, bỏ bản mường đi sang xa, giờ thì đã hồi cư yên ấm trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình.

 

Qua tổng kết đánh giá của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh mới đây, nhìn chung, đề án “Tăng cường công tác PBGDPL cho cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” đã góp phần làm chuyển biến sâu sắc nhận thức về hiểu biết pháp luật của cán bộ và nhân dân. Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước được phổ biến kịp thời đã làm cho người dân tin tưởng, yên tâm xây dựng cuộc sống. Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ chỗ hiểu biết pháp luật, đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình trong các mối quan hệ xã hội..., góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật.

 

Tuy vậy, bên cạnh mặt tích cực của quá trình thực thi đề án, thì vẫn còn những bất cập. Hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp còn chưa đồng bộ theo hệ thống; nhiều nơi chỉ hoạt động hình thức, chiếu lệ hoặc xem nhẹ. Xét về nhân lực cụ thể thì đội ngũ cán bộ tư pháp cấp huyện, xã phải ôm quá nhiều sự vụ, cho nên không có thời gian để tham gia tư vấn,  tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Ở nhiều địa bàn miền núi dân tộc thiểu số, vẫn còn ít sự tham gia của già làng, trưởng bản trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.

 

Thiết nghĩ, để công tác PBGDPL cho cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt hiệu quả cao, thì phải tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL và cơ quan tư pháp cần phát huy vai trò tham mưu của mình trong việc đổi mới hình thức, nội dung truyên tuyền, phổ biến pháp luật đảm bảo thiết thực phù hợp với từng khu vực, từng đối tượng.

 

(Dương Cầm)