Thách thức về dân số ở các xã vùng ven TP Vinh
Nghi Liên - một trong những xã mới được sát nhập vào thành phố Vinh, đây là cơ hội tốt để xã có điều kiện phát triển về mọi mặt. Song cũng là những thách thức không nhỏ đối với công tác dân số. Bởi là xã ven đô, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, đời sống kinh kế còn thấp hơn nhiều so với các phường xã khác của thành phố. Vì thế, chất lượng dân số của địa phương còn có sự chênh lệch khá lớn.
Tính đến cuối năm 2010, tỷ sinh thô của địa phương là 7,84%, giảm 0,7% so với năm 2009; tỷ lệ sinh con thứ 3 là 7,95% giảm so với năm 2009 là 2,5%. Tuy tỷ lệ sinh con thứ 3 có giảm nhưng vẫn là quá cao so với yêu cầu đặt ra và so với yêu cầu của một xã thuộc thành phố đô thị loại I.
Nghi Ân là một trong những xã vùng ven có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên khá lớn |
Dù công tác DSKHHGĐ ở Nghi Liên đã được chú trọng và thực hiện khá tốt. Song từ nhiều nguyên nhân đã dẫn đến sự chênh lệch khá lớn về chất lượng dân số. Là địa phương vùng ven mới sát nhập nên tốc độ phát triển kinh tế còn chậm, nhận thức của người dân còn chưa đồng đều. Một số bộ phận người dân còn chưa nhận thức được vấn đề gia tăng dân số có ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống gia đình và xã hội nên tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ngày càng tăng và tương đối phức tạp. Bên cạnh đó, đội ngũ cộng tác viên dân số tuy có nhiệt tình nhưng còn thiếu kinh nghiệm làm việc và cơ sở vật chất như phòng làm việc, trang thiết bị như loa đài, máy tính phục vụ cho công tác dân số còn thiếu...
Có thế nói, những khó khăn mà xã Nghi Liên gặp phải cũng sẽ là một trong những nguyên nhân chung dẫn đến chất lượng dân số của các xã vùng ven thành phố Vinh còn chậm phát triển.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoài ở xóm Xuân Đức, xã Nghi Đức đều làm nông nghiệp, song họ đã có một nhận thức tiến bộ và đúng đắn khi dừng lại ở hai con. Dù chị chỉ sinh được hai cô con gái. Nếu tất cả người dân trong xã đều có một suy nghĩ và nhận thức như chị Hoài thì có lẽ công tác DSKHHGĐ của xã Nghi Đức sẽ không có nhiều vấn đề phải bàn. Song một thực tế là, năm 2010, tại địa phương, tỷ lệ sinh thô tăng 0,6%; tỷ lệ sinh con thứ 3 là 14,7% tăng hơn năm 2009 tới hơn 2%. Đây là một dấu hiệu đáng buồn và rất nguy hiểm cho chất lượng dân số của địa phương cũng như của thành phố Vinh. Tất nhiên, cái khó của người làm công tác dân số địa phương thì có nhiều mà xã lại có khá đông đồng bào giáo dân nên đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh con thứ 3 lại gia tăng đáng kể như vậy.
Nhưng thực tế từ các xã này đã phần nào cho thấy được những vấn đề còn tồn tại trong chủ trương nâng cao chất lượng dân số của các xã vùng ven và giảm dần khoảng cách giữa vùng ngoại thành và nội thành của UBND TP Vinh. Và thực tế này cũng đáng báo động ảnh hưởng đến tiêu chí để giữ vững danh hiệu TP Vinh là một trong 4 đơn vị đạt mức sinh thay thế.
Một xã vùng ven khác, xã Hưng Hòa có hơn 6.900 nhân khấu, trong đó số người trong độ tuổi sinh đẻ là 1.800. Tuy là xã thuộc TP Vinh từ trước nhưng là xã vùng ven, người dân sống bằng nghề nông và chài lưới là chính nên trình độ dân trí chưa đồng đều, tư tưởng trọng nam kinh nữ còn tồn tại ở một số người dân dẫn đến công tác dân số tại địa phương còn nhiều khó khăn.
Có thể nói, vấn đê nâng cao chất lượng dân số cũng như giảm dần khoảng cách giữa các xã vùng ven và các phường trong nội thành thành phố Vinh là một bài toàn không dễ và phải thực hiện một cách bài bản với những giai đoạn, mục tiêu cụ thể. Không chỉ là sự vào cuộc cuả những người làm công tác dân số mà cần có sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền địa phương và của toàn xã hội.
Đơn cử như xã Hưng Chính. Cũng là một trong những xã mới sát nhập vào thành phố. Với những khó khăn chung của một xã vùng ven, song công tác dân số tại địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực và dần dần được nâng lên. Bởi chính quyền địa phương nơi đây đã xem công tác DS/KHHGĐ là một nhiệm vụ trọng tâm góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương nên đã có sự đầu tư về kinh phí một cách đúng, đủ để công tác truyền thông dân số đạt kết quả cao.
Toàn xã Hưng Chính có hơn 6.600 nhân khấu, số người trong độ tuổi sinh để là hơn 1000. Năm 2010, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm từ 6,38% xuống còn 6% năm. Điều này cho thấy trình độ dân trí của người dân địa phương đã được nâng lên nhờ chiến dịch truyền thông và công tác dân số KHHGĐ tại địa phương được thực hiện tương đối tốt. Như tổ chức các buổi hội họp, chuyên đề về công tác dân số để nâng cao trình độ chuyên môn của các bạn chuyên trách. Xây dựng, thành lập ban chỉ đạo thực hiện công tác và quy chế làm việc từ xã đến cơ sở. 8/8 xóm có kế hoạch để xây dựng kinh phí phục vụ cho công tác truyền thông có hiệu quả.
Theo nghị quyết số 20 của Tỉnh uỷ về lãnh đạo công tác DS/ KHHGĐ của thành phố Vinh trong tình hình mới, nội dung Công tác DS/ KHHGĐ đã trở thành một nội dung quan trọng trong hoạt động của địa phương, đơn vị và là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, tập thể. Thực hiện lồng ghép, tuyên truyền, tư vấn, vận động cung cấp dịch vụ đến tận người dân, trong đó tập trung ở những vùng có dân số đông, vùng khó khăn của các xã vùng ven thành phố.
Mặc dù trong thời gian qua, Trung tâm dân số TP Vinh cũng đã có nhiều biện pháp và tập trung khá nhiều nguồn lực cho công tác dân số của các xã vùng ven nhưng để chất lượng dân số ở các địa phương này được nâng cao và giảm dần khoảng cách với các phường trong nội thành thì cần sự vào cuộc của các cấp uỷ chính quyền địa phương, đặc biệt là sự chỉ đạo định hướng của UBND TP Vinh và sự vào cuộc của toàn xã hội.
(Khánh Ly)