Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cần bổ sung quỹ đất sản xuất cho người dân tái định cư

14:53, 03/01/2011
Sau gần 5 năm về nơi ở mới, bên cạnh những thuận lợi như đường giao thông, y tế, trường học, thì hiện nay bà con người dân tái định cư ở Thanh Chương đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là quĩ đất cho bà con sản xuất, một số cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

 

Với thời gian gần 5 năm về nơi ở mới, thì cũng chừng ấy thời gian, 1.344 hộ dân tái định cư ở xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương phải sống chung với cảnh không có nước sạch để dùng. Mặc dù hệ thống nước đã được dự án là ban 2 triển khai xây dựng, có đường ống nước, bể chứa và cả hệ thống van xả tại các điểm công cộng, tuy nhiên nước lại không hề có. Để có nước sinh hoạt, bắt buộc người dân phải đào giếng khơi để dùng những hộ không có điều kiện thì phải đi xin nước để dùng, nếu ở xa thì đành phải dùng nguồn nước từ khe suối, ao hồ. Ông Lô Văn Tân - trưởng bản Hương Mà, xã Ngọc Lâm cho biết: Công trình nước sinh hoạt do nhà nước cấp đã bị hư hỏng hoàn toàn. Hai năm nay, qua nhiều cuộc họp, người dân đã đề nghị được đào giếng lấy nước sinh hoạt nhưng vẫn chưa được. Người dân phải đi lấy nước ao, nước sông để dùng.

 

Hệ thống cấp nước sạch đã gần 5 năm chưa được sử dụng nhưng đã bị hư hỏng

 

Bản Hương Mà, xã Ngọc Lâm có 153 hộ với hơn 600 khẩu, hiện nay, người dân ở đây sống chủ yếu dựa vào trồng sắn và một ít thu nhập từ vườn nhà. Tuy nhiên diện đất để người dân canh tác lại không được nhiều, bình quân mỗi khẩu hiện nay mới chỉ được chia 1.500m2 đất gồm cả đất ở và đất sản xuất. Trong khi đó, ranh giới, địa giới hành chính lại chưa được phân định rõ ràng nên có sự chồng chéo, xâm lấn làm cho người dân rất khó khăn. Đến nay, trong bản có 95% hộ trồng sắn, nhà nhiều thì mỗi vụ thu hoạch, nhập cho nhà máy được hơn 10 triệu đồng, nhà ít chỉ vài ba trăm ngàn đồng. Theo như trưởng bản Hương Mà cho biết, thì khi bắt đầu di dời về nơi ở mới, bản được cam kết là được chia hơn 15ha đất ruộng lúa nước, nhưng khi về tái định cư bản lại không hề có 1 sào đất làm lúa nước nào. Từ khó khăn về quĩ đất sản xuất, không có nghề phụ, nước sinh hoạt tự chảy không có đang đẩy người dân tái định cư ngày một khó khăn. Ông Lô Văn Tân mong muốn chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ giống cây, giống con bằng lãi suất thấp. Về quỹ đất, tăng diện tích lên 2.600m2 mỗi khẩu.

 

Bản Hương Mà có tới 95% hộ trồng sắn

 

Cùng chung với cảnh ngộ của bản Hương Mà, hiện nay, người dân tái định cư của xã Ngọc Lâm đều đang rất khó khăn trong cuộc sống. Toàn xã có 1.344 hộ dân thì có đến 87,3% hộ nghèo. Thu nhập chính của người dân chủ yếu từ 350ha sắn, 18ha đất ruộng lúa nước và từ nguồn hỗ trợ của nhà nước. Một thực tế dẫn đến khó khăn của người dân tái định cư là quĩ đất sản xuất được chia bình quân ít, cây trồng không đa dạng, KHKT chưa được áp dụng vào sản xuất và cơ sở hạ tầng phục vụ sinh hoạt không được quan tâm. Ông Lô Hoài Dung - chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm đề nghị Nhà nước thu hồi một số diện tích rừng Da Báo để chia cho đồng bào để tăng diện tích đất sản xuất và ban 2 phải sớm kiểm tra và có hướng khắc phục các công trình đã bị hư hỏng.

 

Thiết nghĩ, để cho người dân tái định cư sớm ổn định cuộc sống nơi ở mới, các cấp ngành cần có chỉ đạo ban quán lý dự án vào cuộc quan tâm hơn nữa đối với người dân. Cần có qui hoạch về quĩ đất, du nhập đưa các ngành, nghề mới vào với đồng bào. Đối với sản xuất nông nghiệp cần trang bị thêm kiến thức về KHKT, đưa các loại cây con, giống mới phục vụ cho nhân dân phát triển sản xuất nâng cao đời sống.

 

(Trần Minh)