Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Niềm vui từ “Mái ấm công đoàn”

10:31, 27/01/2011
Thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc thành lập tổ chức quản lý quỹ “Mái ấm Công đoàn”, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đã thành lập quỹ “Mái ấm Công đoàn Nghệ An” để chia sẻ khó khăn, trợ giúp công nhân viên chức lao động, cùng chung tay góp sức xây dựng những ngôi nhà tình nghĩa giúp người lao động có mái ấm an cư. Tuy mức hỗ trợ 20 triệu

 

 

Anh Lầu Chồng Của - Công nhân Chi nhánh điện Kỳ Sơn được trao ngôi nhà từ Quỹ  “Mái ấm Công đoàn”

 

Có được một căn nhà chắc chắn, che nắng, che mưa là ước mơ của không ít đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, và điều đó đã thành hiện thực đối với nhiều đoàn viên công nghèo ở Nghệ An.

 

Chúng tôi gặp cô giáo Trịnh Thị Thảo – giáo viên Trường Mầm non xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu khi cô đang có buổi dạy ở trường. Chứng kiến cảnh cô Thảo dạy trẻ ai cũng phải công nhận rằng lũ trẻ đang được cô dồn hết tâm huyết, tình yêu thương để truyền đạt. Đây là điều mà lãnh đạo nhà trường cũng thừa nhận: cô Thảo nay đã yên tâm công tác, đỡ phải lo nghĩ chuyện gia đình như trước đây. Sau giờ dạy, chị Thảo đưa chúng tôi về với “tổ ấm” của mình. Trong căn nhà mới được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của quỹ “Mái ấm công đoàn”, sự giúp đỡ từ cơ quan, đồng nghiệp, họ hàng, vợ chồng chị Thảo còn thiếu nhiều thứ chưa thể sắm sửa được nhưng niềm vui vẫn tràn ngập. Bởi theo chị: xây được căn nhà mới nghĩa là Tết này cả nhà không còn ở nhà tạm nữa rồi, còn thiếu thốn nhiều thứ nhưng có nhà rồi từ từ làm ra, có an cư mới lạc nghiệp.

 

Nhận thấy chương trình phát động phong trào quyên góp xây nhà tặng CNVC-LĐ nghèo của Tổng LĐLĐVN là một chủ trương hết sức có ý nghĩa, giàu tính nhân văn; thực hiện tốt chủ trương này không chỉ đơn thuần là làm tốt một hoạt động xã hội, mà còn khẳng định được giá trị "tổ ấm" đích thực của Công đoàn, khẳng định được vị thế của Công đoàn trong đời sống xã hội. Vì thế, từ năm 2009, LĐLĐ tỉnh Nghệ An đã triển khai sâu rộng tới tất cả các cấp Công đoàn, từ tỉnh tới cơ sở, bằng nhiều biện pháp, nhiều hình thức, như gửi văn bản trực tiếp, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trong tất cả các hội nghị, các lớp tập huấn, ở mọi lúc, mọi nơi có thể... để mọi người - nhất là cán bộ công đoàn - thấy được ý nghĩa to lớn nhiều mặt của phong trào quyên góp xây nhà "Mái ấm Công đoàn " mà tự nguyện đóng góp, vận động mọi người, mọi tổ chức trong tỉnh, ngoài tỉnh cùng tham gia. Nhờ vậy, trong hơn một năm qua, LĐLĐ tỉnh cùng LĐLĐ các huyện, các ngành đã triển khai làm mới được 32 căn nhà và sửa chữa 4 nhà cho CNVC-LĐ nghèo, tạo nên một phong trào có ý nghĩa nổi bật trong tỉnh, có sức cuốn hút cao. Nguồn vốn đầu tư cho mỗi nhà "Mái ấm Công đoàn " thấp nhất cũng 20 triệu đồng, không như các nhà tình nghĩa khác chỉ có 8 - 15 triệu đồng và nhà nào cũng có 2 - 3 phòng, tường xây gạch, lợp ngói nên căn nhà khá thông thoáng, hài hoà. Và những “mái ấm công đoàn” đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở khắp nơi trong tỉnh. Ở đâu có công nhân viên chức lao động gặp hoàn cảnh khó khăn, ở đó có sự hỗ trợ của đoàn viên công đoàn toàn tỉnh.

 

Khó có thể nói hết được niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của những gia đình cán bộ, CNVC-LĐ, đặc biệt là nữ CNVC-LĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được sống trong những căn nhà ấm áp nghĩa tình. Chương trình “Mái ấm công đoàn” thực sự đã tạo ra cơ hội tốt để mỗi gia đình đoàn viên, CNVC-LĐ nghèo có điều kiện xây dựng nhà ở cho mình. Đến nhà chị Nguyễn Thị Hoa, đoàn viên công đoàn Trường THCS xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn, nhiều người thực sự xúc động. Hơn 15 năm qua, 3 mẹ con chị sống trong căn nhà tạm chưa mưa đã dột, chưa nắng đã nóng. Chồng chị bỏ đi lấy vợ khác, không quan tâm đến cuộc sống của vợ con. Với đồng lương giáo viên ít ỏi, cùng với chăn nuôi thêm, chi tiêu tằn tiện lắm mới đủ, vì vậy, ngay cả trong mơ chị cũng không dám nghĩ đến việc xây được một căn nhà mới. Ngày được xét hỗ trợ “Mái ấm công đoàn” chị không dám nhận vì lý do đang nuôi hai con học Đại học không thể có tiền làm nhà. Nhưng được cán bộ công đoàn động viên, cơ quan, đồng nghiệp, người thân quan tâm giúp đỡ vậy nên bây giờ chị mới có được căn nhà khang trang, kiên cố.

 

Mỗi đoàn viên công đoàn đóng góp 10.000 đồng/năm, sự đóng góp không là bao nhưng lại có ý nghĩa hết sức lớn lao đối với những công nhân viên chức lao động gặp hoàn cảnh éo le, bất hạnh. Gần 1,5 tỷ đồng huy động được sau hơn một năm triển khai từ việc vận động CNVCLĐ trong tỉnh đóng góp cho Quỹ Mái ấm công đoàn đã và sẽ giúp đỡ hàng trăm đoàn viên nghèo, khó khăn trong toàn tỉnh có được chỗ ở, giúp họ bớt đi phần nào nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống. Đối tượng được Quỹ “Mái ấm Công đoàn” hỗ trợ đều là đoàn viên công đoàn, là CNVCLĐ có thu nhập thấp, gia đình thuộc diện nghèo; chưa được Nhà nước hoặc cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức chính trị- xã hội hỗ trợ xây dựng nhà ở. Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh còn ưu tiên cho đoàn viên là công nhân trực tiếp sản xuất, có nhiều thành tích trong lao động sản xuất được các cấp khen thưởng, có nhiều năm công tác hoặc bản thân đoàn viên là CNVCLĐ thuộc diện gia đình chính sách nhưng chưa được Nhà nước hoặc cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội hỗ trợ xây dựng nhà ở. Cùng với phần hỗ trợ của quỹ, công đoàn các cấp còn đề nghị chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi người được hỗ trợ đang công tác, hỗ trợ thêm vật liệu xây dựng và công lao động của đoàn viên, CNVCLĐ trong đơn vị để xây dựng, sửa chữa nhà và huy động thêm nguồn đóng góp của gia đình dòng họ người được hỗ trợ.

 

Những năm gần đây, vai trò của tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp đã thể hiện rõ. Các công ty đã nhận thấy tác dụng của việc chăm lo chính sách cho công nhân. Một trong những đơn vị đi đầu hưởng ứng phong trào xây dựng “Mái ấm Công đoàn” tại huyện Quỳ Hợp là Công ty TNHH 1 thành viên 3/2. Có hơn 500 công nhân, trong đó 370 công nhân nữ, xuất phát từ chiến lược phát triển của công ty, công nhân có “an cư” mới “lạc nghiệp”, nên trước khi có phong trào xây dựng “Mái ấm Công đoàn”, Công đoàn của công ty đã phát động nhiều hoạt động chăm lo cho công nhân nhằm tạo tâm lý yên tâm lao động, và bảo vệ quyền lợi cho công nhân, như: xây nhà tập thể cho công nhân viên ở xa; phát động CNVCLĐ quyên góp quỹ cho vay xây dựng nhà ở. Tính từ năm 2006 đến nay, nguồn quỹ này đã góp phần xây dựng được 11 căn nhà cho công nhân lao động đơn vị. Khi có phong trào đóng góp quỹ xây dựng “Mái ấm Công đoàn”, công ty là đơn vị luôn hoàn thành chỉ tiêu do LĐLĐ huyện phân bổ. Nhờ làm tốt công tác tư tưởng nên các công nhân của công ty rất đồng tình ủng hộ hoạt động này. Căn nhà của chị Phạm Thị Hành là công nhân có hoàn cảnh đơn thân vừa được hoàn thành vào tháng 5/2010 cũng là nhờ có sự giúp đỡ tích cực của công ty. Để làm được căn nhà có trị giá hơn 50 triệu đồng này thì ngoài số tiền 20 triệu đồng hỗ trợ từ quỹ Mái ấm công đoàn chị Hành còn được đơn vị giúp đỡ vật liệu, ngày công và cùng chính quyền làm thủ tục cấp đất xây nhà. Thời gian qua, Công đoàn còn thành lập được 1 tổ hùn vốn tương trợ cho vay không lãi, đây là nguồn do công nhân đóng góp hàng tháng, xoay vòng để đầu tư làm ăn thêm và mua sắm vật dụng trong gia đình.

 

Qua khảo sát thực tế, tại Nghệ An còn rất nhiều công nhân viên chức lao động nghèo, đặc biệt là công nhân lao động không có điều kiện làm được nhà ở. Để huy động quỹ, trong thời gian qua, ngoài nguồn đóng góp chủ yếu từ CNVCLĐ toàn tỉnh, LĐLĐ tỉnh Nghệ An cũng đã cố gắng huy động các đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trên địa bàn trong và ngoài tỉnh cùng đóng góp để hỗ trợ cho những đối tượng này. Qua các tổ chức, doanh nghiệp đã huy động được 460 triệu đồng và đến nay đã xây dựng hoàn thành bàn giao cho công nhân lao động nghèo đưa vào sử dụng được 13 ngôi nhà. Tuy nhiên, so với năm đầu tiên (năm 2009) thì năm 2010 vừa qua, chương trình mái ấm công đoàn không diễn ra sôi nổi và có xu hướng trầm xuống, nhất là mặt đóng góp ủng hộ quỹ. Ngoài việc không có thêm nguồn ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp thì nguồn duy nhất là vận động CNVCLĐ trong tỉnh cũng đạt tỷ lệ thu thấp: chỉ đạt 565 triệu đồng(giảm hơn 350 triệu đồng so với năm 2009). Nguyên nhân là do một số huyện, ngành nộp chậm, thậm chí cho đến ngày 30/11/2010 vẫn có một số huyện, ngành trên địa bàn tỉnh chưa nộp về quỹ một đồng nào.

 

Có thể khẳng định, xây dựng nhà ở “Mái ấm công đoàn” là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình hữu ái giai cấp, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, tính tự nguyện của CNVC-LĐ. Một điều đáng ghi nhận nữa đó: sự hỗ trợ của “Mái ấm Công đoàn” đã tác động nhiều đến tổ chức, cá nhân và thân nhân người được hỗ trợ, đóng góp hàng chục triệu đồng giúp đỡ cho người thân mình xây dựng căn nhà được hoàn chỉnh, khang trang hơn. “Người góp công, kẻ góp của”, mỗi người chỉ cần một chút hảo tâm là biết bao CNVCLĐ nghèo có được mái ấm che nắng, che mưa. Trên địa bàn Nghệ An vẫn còn rất nhiều đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, vì vậy, rất cần sự đóng góp, giúp đỡ của toàn xã hội với tinh thần “tương thân tương ái” để làm nhiều “Mái ấm Công đoàn” hơn nữa, giúp đoàn viên công đoàn nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

 

(Xuân Hướng)