Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Người Ơ đu vui Tết

15:52, 15/02/2011
Bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương là nơi ở mới của đồng bào dân tộc Ơ Đu, nơi đây, dư âm của một cái tết ấm vừa đi qua vẫn còn. Khắp các bản làng khu tái định cư mới đâu đâu cũng rộng ràng tiếng ca, điệu múa mừng một mùa no ấm đang về.

 

 
   

Tộc người Ơ Đu chỉ có duy nhất ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương. Trước đây, đồng bào dân tộc Ơ Đu sống ở các xã dọc sông Nặm Nơn, có tập quán canh tác lạc hậu. Qua nhiều năm cư trú lưu lạc ở các bản xã Kim Đa, Kim Tiến, huyện Tương Dương, đồng bào dân tộc Ơ Đu bản sắc văn hoá và ngôn ngữ của dân tộc Ơ đu đã bị mai một, có nguy cơ bị đánh mất. Nhưng năm 2006, khi công trình thuỷ điện Bản Vẽ chính thức được khởi công thì tộc người Ơ Đu được phát hiện và được Ban dân tộc miền núi Nghệ An có chủ trương bảo tồn tộc người cổ xưa ít người này. Năm 2007, đồng bào dân tộc Ơ Đu được di dời đến nơi ở mới tại bản Văng Môn, xã Nga My. Ở miền đất hứa, đồng bào Ơ Đu được Đảng và Nhà Nước hết sức quan tâm tạo mọi điều kiện để bà con được sinh sống ấm no hơn. Cụ Lo Văn Bằng, năm nay gần 80 tuổi phấn khởi cho biết: Trước đây, dân tộc ơ đu còn gọi là dân tộc Tay Hát, chỉ có làm rẫy, săn bắt hái lượm trong rừng, và lễ mừng lúa mới là lễ lớn nhất trong năm. Giờ được cấp trên quan tâm chúng tôi đã biết chăn nuôi, trồng rừng, xoá bỏ tập tục lạc hậu và chăm lo cuộc sống, kinh tế gia đình, con cái cháu chắt được đi học nên không còn sợ đói, nghèo nữa.

 

Dân tộc Ơ Đu hiện có gần 100 hộ, với gần 400 khẩu sống hoà đồng cùng các dân tộc Thái, Khơ Mú ở xã Nga My. Nhiều năm qua. đồng bào dân tộc Ơ Đu đã cùng nhau thực hiện theo chủ trương đường lối của Đảng và Nhà Nước, xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu để tập trung vào phát triển kinh tế gia đình theo khoa học kỹ thuật mới, cùng nhau đoàn kết chung sống theo nếp sống văn hoá mới ở khu dân cư. Tính đến nay toàn bản đã trồng mới được hơn 30ha rừng, ngoài ra bà con còn chú trọng chăn nuôi gia súc gia cầm. Tổng số đàn trâu toàn bản hiện có gần 300 con, trên 200 con bò, nhiều hộ đã biết chăn nuôi lợn thịt. Nhờ đó số hộ nghèo từng bước được giảm dần, 98% số hộ có nhà ở kiên cố, nhiều hộ đã có phương tiện nghe nhìn, 50% số hộ có phương tiện đi lại. Anh Lô Văn Thái - Trưởng bản bản Văng Môn cho biết: Về nơi ở mới, người dân rất phấn khởi vì được nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh tế, được đón thêm tết nguyên đán bên cạnh tết mừng lúa mới. Tết năm nay nhà nào cũng có lúa mới để cúng tổ tiên.

 

Nếp sống văn hóa của tộc người Ơ Đu cũng dần thay đổi. Giờ đây bà con đã biết thờ cúng tổ tiên vào ngày lễ tết cổ truyền. Đặc biệt bà con dân tộc Ơ Đu đã tự tìm cho riêng dân tộc mình nhạc cụ đặc trưng, đó là chiếc đàn môi và thành lập được đội văn nghệ tham gia nhiều hội diễn do xã, huyện tổ chức. Điều đáng mừng hơn ở đây là nhiều gia đình đã chú trọng đến việc học hành của con cháu, số hộ sinh con thứ 3 không còn, số lượng Đảng viên toàn bản ngày một nâng lên, hiện nay chi bộ bản đã có 17 đảng viên. Ông Kha Văn Phùng – Phó chủ tịch UBND xã Nga My khẳng định bà con dân tộc Ơ đu đã hoà nhập với cộng đồng dân bản và duy trì nếp sống văn hoá rất tốt.

 

Một mùa xuân đã đi qua trên mảnh đất hứa, đồng bào dân tộc Ơ Đu lại cùng nhau bắt tay vào sản xuất, làm ăn. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng bà con dân tộc Ơ Đu đã hiểu và làm theo chủ trương đường lối của Đảng và Nhà Nước. Nhờ đó, cuộc sống của đồng bào Ơ Đu đang từng ngày đổi thay.

 

(May Huyền)