Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Xuân về bản Vều

19:51, 01/02/2011
Khi những cơn mưa phùn lất phất bay, tiết trời se lạnh, những cành đào, cành mận nở hoa khoe sắc đấy là lúc báo hiệu một mùa xuân mới đang về. Những ngày này, đồng bào dân tộc Thái ở bản Cao Vều (Anh Sơn) lại nô nức chuẩn bị đón một cái Tết đầm ấm, vui vẻ.

 

Cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số khác, ở Bản Vều, đồng bào Thái sống thành từng xóm, mỗi xóm có vài chục nóc nhà. Với đặc thù riêng về phong tục tập quán, lối sống, ngày nay, người Thái ở Anh Sơn vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là tục ăn Tết mừng năm mới. Từ ngày 28, 29 tháng Chạp, trai gái trong bản lại khẩn trương trang trí lại nhà cửa, quét dọn trong nhà và đặt bàn thờ tổ tiên, với mong muốn quét sạch mọi cái xấu của năm cũ và đón một năm mới an lành, bội thu.

 

Tết đến, người già gặp nhau đầm ấm bên chén rượu; đám thanh niên, trẻ nhỏ tíu tít hòa mình vào các trò chơi, Còn các bà, các chị thì chuẩn bị gạo nếp ngon để làm bánh chưng, bánh giầy rồi dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ.

 

Ngoài bánh chưng, bánh giầy, các món ăn ngày Tết của người Thái không cầu kỳ mà vẫn phong phú, đa dạng. Điều đặc biệt ở nơi đây còn có thêm món bánh sừng bò, món bánh này được nấu từ gạo nếp, gói với lá chuối, cách nấu và hương vị của các vật liệu để chế biến những món ăn nơi đây cũng tạo nên sự khác lạ mà không nơi nào có được. Việc thờ cúng tổ tiên được người Thái ở bản Cao Vều đặc biệt quan tâm. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở một góc chính giửa nhà nơi sạch sẽ và gọn gàng nhất. Người Thái coi tổ tiên trong nhà như thần hộ mệnh luôn theo sát và che chở cho họ. Để mỗi gia đình, dòng họ, thế hệ cháu con, luôn nhớ về nguồn gốc, lịch sử truyền thống của dân tộc mình. Chiều 30 tết, người Thái làm mâm cỗ để cúng mời tổ tiên cùng về ăn tết, lễ vật dâng cúng khá đơn giản gồm: thịt lợn luộc, bánh chưng, bánh sừng bò, một ít rượu, lễ cầu không chỉ mong những điều tốt lành, may mắn nhất trong năm mới, mà còn là dịp để con cháu trong gia đình tỏ lòng biết ơn tổ tiên, ông bà phù hộ cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

Người dân tộc Thái ăn Tết chính trong 3 ngày từ mồng 1 đến mồng 3. Trước đây, các hoạt động vui Xuân thường kéo dài từ mồng 1 đến hết ngày 15 tháng Giêng, nhưng hiện nay thời gian vui chơi được rút ngắn, người dân trong bản tổ chức các hoạt động vui chơi như văn nghệ thể dục thể thao, vừa là dịp để trai gái trong bản gặp nhau, vừa là để thanh niên trong xóm tránh được các tệ nạn xã hội. sau đó mới bắt đầu bước vào lao động sản xuất trong một mùa vụ mới.

 

Không khí ngày tết đang lan toả từng căn nhà, góc xóm. Tiếng cồng tiếng chiêng lại vang vọng cả núi rừng, vang vọng cả trong lòng những người dân vùng biên cương này.

 

(Huyền Trang)