ĐBP 519: Khi biên giới là quê hương
Hành trình tìm tiếng nói chung
Là một xã vùng sâu vùng xa của huyện Quế Phong, xã Tri Lễ có 3 dân tộc cùng chung sống là Mông, Thái và Khơ Mú. Trước đây, ít người biết đến xã Tri Lễ bởi đường xá xa xôi, đi lại cực kỳ khó khăn. Nhưng cái khó về đường đi lại, xa xôi nhưng ý chí và bản lĩnh của những người lính cụ Hồ thì chẳng sao, nhưng cái khó, khổ nhất đối với các chiến sỹ ĐBP 519 trong lúc ‘‘sơ khai’’ ở vùng đất mới Tri Lễ là bất đồng ngôn ngữ. Trong câu chuyện với chúng tôi, đồn trưởng đồn 519 Lê Tham Mưu cho biết: Trước đây, Tri Lễ nghèo lắm, cả xã không có nổi một ngôi nhà ngói, nhà nào trống trơ trống tuếch, không có vật gì đáng giá. Nghèo đói, bệnh tật và lạc hậu cứ đeo đẳng lấy cuộc sống của người dân nơi chốn rừng núi heo hút này.
Khi các anh làm thầy giáo |
Thiếu tá Đàm Thiên Thương - nguyên Đội vận động quần chúng Đồn 519, nay về tăng cường làm phó bí thư đảng uỷ xã Tri Lễ, người đã có thâm niên trên 10 gắn bó với bà con dân bản bộc bạch: Để giúp bà con từng bước ổn định cuộc sống, rời xa cái đói cái nghèo, cán bộ chiến sĩ đã bỏ hàng chục ngày công để dựng lớp mở trường, dạy chữ cho con em, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào khi ốm đau, vận động bà con xoá bỏ cây thuốc phiện, áp dụng các tiến bộ KHKT để đưa các giống cây con vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Để các hoạt động thực sự có hiệu quả, tạo niềm tin cho bà con các dân tộc, ban chỉ huy đồn đã vận động cán bộ chiến sĩ tích cực học tiếng địa phương.
Từ ngày có tiếng nói chung, các anh đã hiểu được tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân, được nhân dân tin yêu như con em ruột thịt, đúng như khẩu hiệu “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Tình quân dân giữa cán bộ chiên sĩ đồn 519 và nhân dân xã Tri Lễ ngày càng sâu nặng, từ những công việc trong gia đình đến công việc trên nương rẫy đều có tay các anh.
Và khởi sắc một vùng biên giới
Xã biên giới Tri Lễ đã có nhiều hơn những ngôi nhà vững chãi nhờ bàn tay của chiến sĩ biên phòng |
Chủ trương “4 cùng” với nhân dân xã Tri Lễ đã giúp cuộc sống của người dân nơi đây từng ngày đổi thay từ nếp nghĩ, cách làm đến đường làng ngõ xóm. Đói nghèo nơi xã biên giới heo hút của miền tây Bắc xứ Nghệ này ngày càng được đẩy lùi, trẻ em được đi học, dân được xem tivi, nghe đài ngày càng nhiều. Hằng năm, chương trình quân dân y kết hợp của đồn còn khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí, tiêm phòng dịch bệnh cho hàng trăm lượt người. Các anh đã cùng dân tu sửa hệ thống thuỷ lợi, khai hoang phục hoá, phát triển đàn gia súc gia cầm, hướng dẫn bà con đưa giống mới có năng suất cao vào gieo trồng, giúp các gia đình khó khăn vượt qua nghèo đói.
Chia tay với mảnh đất tận cùng của miền Tây Bắc Nghệ An, chúng tôi hiểu rằng trong sự “ thay da đổi thịt” của xã biên giới Tri Lễ hôm nay, có sự đóng góp không nhỏ của những người lính mang quân hàm xanh ở đồn biên phòng 519. Kế thừa và phát huy kết quả đạt được, tin rằng, tương lai không xa, đây sẽ trỡ thành một trong những điểm sáng văn hoá của vùng biên Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung.
(Bài, ảnh: Hữu Đức)