Mỏi mòn chờ đất sản xuất
Năm 2003, kể từ khi UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hầu hết các cánh rừng, khu dân cư, ruộng nước và ngay cả trụ sở làm việc của xã Quế Sơn, cũng như diện tích 3 bản: bản Đai, bản Piêng Mòn và bản Cọc đều nằm trong bìa đỏ của Lâm trường Quế phong. Vì thế, 134 hộ thuộc 3 bản nói trên không được phép trồng cây, sản xuất trên vùng đất mà cha ông họ đã từng canh tác để lại. Ông Lô Văn Thành - Trưởng bản Cọc tâm sự: Không có đất để sản xuất thêm, chúng tôi chỉ biết dựa vào mấy sào ruộng, không đủ ăn, nghèo quá không nuôi nổi con cái đi học, cả bản chúng tôi chỉ có 1 người là con bí thư chi bộ học hết cấp 3, các cháu khác cứ lớn lên là đi làm ăn xa cả.
Trẻ em bản Can, Piếng Mòn, bản Cọc đối diện với nguy cơ thất học |
Từ việc không có đất sản xuất, bà con 3 bản này thiếu đói quanh năm, nhiều cháu không đi học, số em học hết THPT chỉ đếm được trên đầu ngón tay, với thực trạng trên thì chẳng biết bao giờ 3 bản này mới có thể khá lên được. Người dân đã đề nghị lên các cấp chính quyền, mong được giải quyết. Trong cuộc họp ngày 28/10/2009 tại UBND huyện Quế Phong, có sự tham gia chỉ đạo của ông Vi Lưu Bình - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, lãnh đạo và các ban ngành liên quan cấp huyện, Giám đốc Lâm trường Quế Phong và chủ tịch UBND xã Quế Sơn, các bên đều đồng thuận là tạo điều kiện cho người dân Quế Sơn và các vùng lân cận có đất sản xuất. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Quế Sơn cho biết: Năm 2003 Lâm trường được UBND tỉnh cấp bìa đỏ, toàn bộ diện tích Quế Sơn nằm trên bìa đỏ lâm trường, tôi nghĩ rằng, cán bộ làm công tác tham mưa cho UBND huyện thời đó chưa sát với tình hình thực tế. Kể cả diện tích đất ở, diện tích ruộng nước đất công sở điều nằm trên bìa đỏ của lâm trường, đây là vấn đề trái ngược. Thiếu đất sản xuất là nguyên nhân nghèo đói của 3 bản.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đã đến Lâm trường Quế Phong. Ông Nguyễn Đình Hùng giám đốc Lâm trường Quế Phong cũng khẳng định việc UBND tỉnh cấp bìa đỏ cho Lâm trường Quế Phong năm 2003 còn nhiều bất cập gây khó khăn cho người dân và các cấp chính quyền quản lý.
Về vấn đề này, sau khi nhận được công văn số 1454 ngày 30/6/2010 của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, việc thu hồi đất của một số lâm trường thuộc Công ty nông lâm nghiệp Sông Hiếu quản lý, ngày 16/7/2010, UBND tỉnh đã có công văn 4251 về việc thu hồi đất của các Lâm trường để bàn giao cho các địa phương. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Công ty Lâm nghiệp Sông Hiếu phối hợp với các địa phương rà soát, bóc tách đất đai và nhất trí với đề nghị trả đất cho người dân. Như vậy, số diện tích mà Lâm trường Quế Phong phải chuyển trả cho địa phương là gần 1.400ha. Riêng xã Quế Sơn là 929,8ha tập trung ở các Tiểu khu 90B, 125B và 132. Thế nhưng đến nay, người dân 3 bản vẫn chưa nhận được một mét đất nào để canh tác.
Thật đáng buồn là từ khi Lâm trường có bìa đỏ (2003), việc tranh chấp xảy ra liên miên, Lâm trường được giao nhưng cũng không sử dụng được vì trồng rừng thì bị người dân lén lút chặt phá, người dân không sản xuất được vì bảo vệ lâm trường rệt đuổi. Vùng đất đồi màu mỡ trở thành đất hoang hóa. Ông Nguyễn Đình Hùng - Giám đốc Lâm trường Quế Phong cũng mong muốn tỉnh sớm thu hồi đất Lâm trường để bàn giao cho 2 xã Mường Nọc và Quế Sơn.
Người dân bản Đai, bản Piêng Mòn và bản Cọc sau mỗi vụ trồng lúa lại ra ngoài hiên nhà mòn mỏi ngóng chờ cấp chính quyền hồi âm. Không biết người dân khốn khổ phải chờ đến bao giờ?
(Vân Thanh)