Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cho vi vút thông reo

16:26, 26/07/2011
Những ai đã từng đến mảnh đất Quảng Trị một thời máu lửa đều dừng chân ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Nơi đây, khắc ghi lời tri ân sâu sắc của Tổ quốc, nhân dân ta trước những chiến công bất tử của hơn một vạn chiến sĩ đã ngã xuống trong những trận đối đầu ác liệt với đế quốc Mĩ.

 

Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn là 1 trong số 72 nghĩa trang liệt sỹ ở tỉnh Quảng Trị, chứng tích gắn chặt với lịch sử hào hùng của Binh đoàn 559 cùng lực lượng thanh niên xung phong anh dũng chiến đấu suốt 16 năm ròng trên tuyến lửa mở đường trường sơn mang tên Hồ Chí Minh. Giữa ngút ngàn Trường Sơn hùng vĩ, 10.263 chiến sỹ đang yên nghỉ trong lòng đất mẹ vĩnh hằng. Hầu hết họ còn rất trẻ, tuổi đời 18, đôi mươi. Nghĩa trang Trường Sơn được xây dựng tại khu đồi Bến Tắt, xã Vĩnh Trường, huyện Do Linh tháng 10 năm 1975.

 

Những ngày tháng bảy này, nghĩa trang vi vút tiếng thông reo giấc ngủ vĩnh hằng của những người con ưu tú. Mỗi ngày có hàng chục đoàn từ khắp mọi miền đất nước vào thăm viếng. Hơn mười nghìn chiến sĩ đã oanh liệt hi sinh tại chiến truờng máu lửa Quảng Trị, riêng tỉnh Nghệ An có hơn một nghìn hai trăm người con trung hiếu với Tổ quốc mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này. Thể theo nguyện vọng của đông đảo người dân, tháng 6 /2006, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định xây dựng Khu văn bia, Đài tưởng niệm khu mộ liệt sĩ Nghệ An. Trong tâm thức của người dân xứ Nghệ, nơi đây đã trở thành chốn thiêng liêng, tưởng niệm những người con anh dũng của quê hương đã hi sinh tuổi xuân phơi phới trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

 

Một góc khu nghĩa trang nơi yên nghỉ của các Liệt sĩ là con em Nghệ An tại NTLS Trường Sơn (Ảnh: Trần Lan Anh)

 

Hàng năm, hàng chục vạn lượt người từ mọi miền tổ quốc, trong và ngoài nước lại hành hương về thăm viếng, bày tỏ tấm lòng cảm kích, tri ân, kính cẩn nghiêng mình trước những con người quả cảm đã ngã xuống cho đất nước trường xuân: “Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”. Trong dịp tổ chức đoàn thăm viếng, thành kính tưởng niệm các anh hồn liệt sĩ tại  Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, nhân kỉ niệm 64 năm ngày TBLS năm nay, đồng chí Hồ Đức Phớc - Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hàng năm, nhân ngày thương binh liệt sỹ 27/7, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An tổ chức các đoàn đi thăm viếng các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9, và các nghĩa trang khác. Đây là một nghĩa cử cao đẹp, tưởng nhớ sâu sắc các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự trường tồn của dân tộc, vì hòa bình, hạnh phúc ngày hôm nay...

 

Gợi nhớ về một giai đoạn lịch sử đau thương, mất mát tại chiến trường Quảng Trị, tất cả các Đài tưởng niệm, nhà văn bia dù ở khu mộ nào cũng đều được kiến trúc một cách trang nghiêm, thâm trầm. Đài tưởng niệm Nghĩa trang Trường Sơn cao vút thể hiện sự siêu thoát anh hồn các liệt sĩ. Trong các khu mộ được xây dựng nằm vát trên từng quả đồi thoai thoải, ngập tràn ánh sáng mỗi ban mai, đều được trồng hoa đại nở trắng xoá ngạt ngào hương thơm. Những cảm nhận đó luôn thường trực trong lòng mỗi người dân khi về nghĩa trang lịch sử này.

 

Tháng 7 tri ân tại nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn (Ảnh: Trần Lan Anh)

 

Cũng như bao người thân khác khi về Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, anh Bùi Gia Biên, quê xã Thanh Cát, huyện Thanh Chương cùng gia đình đã chăm sóc thêm cho phần mộ của anh trai mình là liệt sĩ Bùi Gia Lạc, hi sinh năm 1971, và không quên tưởng vọng anh linh những anh hùng liệt sĩ khác. Anh Biên xúc động: Khi Nghĩa trang này được xây dựng thì anh trai tôi được đưa về đây. Ngày giỗ của anh tôi gần trùng với ngày 27/ 7 cho nên năm nào chúng tôi cũng vào thăm viếng. Tôi cảm thấy an lòng khi anh tôi sống chiến đấu với đồng đội, hi sinh cùng đồng đội… và cũng yên nghỉ cùng đồng đội nơi đây.

 

Về Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là dịp để mỗi người dân khơi thêm nguồn mạch nhân văn cao cả của dân tộc. Quá khứ hào hùng mà các chiến sĩ anh dũng hi sinh để đổi lấy độc lập, tự do đã được đồng bào, đồng chí nâng niu, trân trọng và tiếp nối bằng những nghĩa cử cao đẹp. Chính sách, chế độ cho thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cánh mạng hàng năm, luôn được các địa phương trong cả nước thực hiện  đầy đủ, kịp thời. Hàng nghìn gia đình chính sách, người có công neo đơn ở Nghệ An cũng đã được các tổ chức, đoàn thể quan tâm đến cuộc sống bằng vật chất, tinh thần một cách chu đáo, ngoài quy định chung của Đảng, Nhà nước. Nghĩa cử ân tình đó làm tăng thêm truyền thống “ uống nước nhớ nguồn”, tinh thần đoàn kết, yêu nước của mỗi người dân Việt Nam.

 

(Dương Cầm)