Hiệu quả từ chương trình "Cùng nhà nông ra đồng"
Vụ hè thu này là vụ mùa thứ 4 liên tiếp, các hộ nông dân của HTX Diễn Liên, huyện Diễn Châu được tham gia vào mô hình Cùng nhà nông ra đồng do Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai. Trên diện tích 5ha, hơn 50 hộ nông dân đã được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn từ cách chọn, kỹ thuật ngâm ủ giống đến cách chăm sóc, quản lý dịch hại trên cây lúa sau khi gieo cấy cho đến khi thu hoạch. Thực tế qua 3 vụ sản xuất, bà con đã có sự so sánh về mức độ sinh trưởng, tình hình dịch hại và năng suất lúa đạt được giữa diện tích trong và ngoài mô hình.
Tính cả vụ hè thu năm nay, chương trình “Cùng nông dân ra đồng” tại Nghệ An đã bước vào triển khai sản xuất được 4 vụ. Từ 2 mô hình và 4 điểm của vụ đầu tiên, đến nay đã tăng lên 3 mô hình, 8 điểm với tổng cộng 22ha lúa của gần 200 hộ tại 4 huyện là Diễn Châu, Nam Đàn, Đô Lương và Nghi Lộc. Trong đó, 2 mô hình được Công ty BVTV An Giang kết hợp với Chi cục BVTV tỉnh, 1 mô hình kết hợp với Trung tâm BVTV vùng 4, thuộc trường ĐH Nông nghiệp 1 triển khai. Với phương châm 3 cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, các cán bộ kỹ thuật của Công ty BVTV An Giang là người trực tiếp cung cấp thông tin, chuyển giao kĩ thuật theo kiểu cầm tay chỉ việc, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn của người nông dân để đưa ra giải pháp tốt nhất cho quá trình canh tác và quản lý dịch hại trên cây lúa.
Tại Tân Sơn, trước đây, mặc dù nông dân rất cần cù, chịu khó nhưng trong sản xuất vẫn chủ yếu là làm theo kinh nghiệm. Cứ đúng lịch thời vụ thì xuống giống, làm đất xong thì gieo cấy và khi thấy lúa phát triển kém thì bón phân, thấy sâu bệnh là phun thuốc. Thậm chí là phun thuốc nhiều lần nhưng có khi vẫn không phòng trừ được sâu bệnh. Vì thế, mặc dù chi phí đầu tư nhiều nhưng hiệu quả sản xuất mang lại vẫn không cao. 2 năm nay, từ khi có cán bộ của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang thực hiện mô hình, bà con xã viên được hướng dẫn, giúp đỡ từ khâu ngâm ủ giống đến khi thu hoạch; nhất là việc phát hiện và kỹ thuật phun thuốc BVTV phòng trừ dịch hại thì năng suất lúa đã tăng lên đáng kể. Hiệu quả không chỉ dừng lại ở các hộ tham gia mô hình mà những hộ ngoài mô hình cũng tìm đến CB kỹ thuật công ty để được tư vấn, hướng dẫn làm theo.
Được đào tạo bài bản lại thường xuyên có cơ hội trực tiếp thử nghiệm, cọ xát trên đồng ruộng, các CB kỹ thuật của Công ty BVTV An Giang là những kỹ sư có chuyên môn khá vững vàng. Bằng việc sát cánh cùng bà con nông dân đi thăm đồng hàng ngày, cứ 5-10 ngày, họ lại tổ tập hợp các chủ ruộng để truyền đạt cho nông dân kỹ thuật chăm sóc; thực hiện đúng kỹ thuật bón phân cân đối, phun thuốc trừ sâu theo 4 đúng... trên từng đám ruộng cụ thể. Qua đó, giúp bà con phát huy những kinh nghiệm tốt; đồng thời nhận biết và khắc phục những hạn chế trong sản xuất, làm cầu nối giữa nông dân với các nhà khao học nhằm hướng tới sản xuất bền vững.
Trong những năm qua, do biến đổi khí hậu, trên cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng rất nhiều loại sâu bệnh phát sinh, phát triển. Điều này không những làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng mà còn ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Chương trình cùng nông dân ra đồng của Công ty CP BVTV An Giang ra đời cũng là nhằm mục đích khắc phục điều này.
Với những hiệu quả từ mô hình “Cùng nông dân ra đồng”, chính quyền các địa phương rất mong muốn ngành nông nghiệp cũng như Công ty CPBVTV An Giang sẽ hỗ trợ để nhân rộng thêm nhiều mô hình hơn nữa. Từ đó, giúp người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng đến phát triển sản xuất theo hướng đảm bảo môi trường xanh, sạch và bền vững.
(An Duyên)