Khẩn trương sơ tán gần 300.000 dân ra khỏi khu vực nguy hiểm
Tại cuộc họp sáng nay (30/7) của Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã nhấn mạnh thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cơn bão này diễn biến khôn lường vì tốc độ thường xuyên thay đổi, thêm vào đó nó sẽ chịu những tác động nhất định từ cơn bão Muifi đã hình thành ngoài khơi Philippines.
Bộ trưởng chỉ đạo, tùy theo tình hình thực tế các địa phương chủ động cấm biển đối với các phương tiện hoạt động ở vịnh Bắc Bộ; tiếp tục hướng dẫn tàu thuyền, lồng bè vào nơi trú tránh an toàn.
Triển khai bảo vệ đảm bảo an toàn các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, phối hợp với các địa phương ở hạ du đảm bảo an toàn cho nhà dân và tài sản khi xả lũ; đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng; các công trình đang thi công trên các tuyến đê biển, đê sông. Kiểm tra chặt chẽ việc dự trữ vật tư, phương tiện, thiết bị và lực lượng để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố.
Chủ động tiêu nước đệm bảo vệ các trà lúa mới cấy, các thành phố trong vùng ảnh hưởng sẵn sàng đối phó với ngập úng.
Phân công cán bộ lãnh đạo, chuyên môn của các địa phương chịu ảnh hưởng của bão cần xuống các khu vực để chỉ đạo trực tiếp.
Triển khai phương án “4 tại chỗ”, đặc biệt là việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng bão và lũ lớn gây chia cắt dài ngày.
Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu di dời toàn bộ 271.404 người dân tại các khu vực chịu ảnh hưởng của bão số 3 gồm Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trước 12 giờ trưa nay.
Sẵn sàng đối phó bão
Theo báo cáo nhanh của Cơ quan thường trực – Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng, đến 6h ngày 30/7 đã thông báo được 42.215 tàu, thuyền với 198.367 lao động và 1.980 lồng bè với 4.136 người biết vị trí và diễn biến của bão.
Theo báo cáo, hiện ngoài tàu QNg 95010 của Quảng Ngãi bị chìm và toàn bộ 11 người trên tàu đã được một tàu Philippines cứu sống còn có 2 tàu khác hư hỏng.
Vào lúc 9h sáng ngày 29/7, các chiến sỹ đồn Biên phòng 204 Quảng Trị đã cứu sống toàn bộ 9 người trên tàu QB 1312 của Quảng Bình trên đường vào tránh trú bão tại Cửa Tùng bị sóng đánh gãy đuôi tàu.
Còn một tàu khác là HP 1061 của Hải Phòng với 5 người trên tàu cũng may mắn thoát nạn khi tàu bị mất lái, đâm vào kè đá, vỡ mũi tàu.
Như vậy, cho đến nay chưa có thiệt hại về người.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý Công trình thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện các hồ chứa do công ty thủy nông hoặc các huyện quản lý vừa và lớn có dung tích đạt 65 – 80% dung tích thiết kế.
Một số hồ chứa đã tích đầy nước như hồ Vân Trục, Bò Lạc, Suối Sải thuộc tỉnh Vĩnh Phúc; hồ Kinh Môn của Quảng Trị đạt 90%; hồ A Yun Hạ, tỉnh Gia Lai đạt 99% và hồ Tuyền Lâm tỉnh Lâm Đồng đạt 97%.
Theo lãnh đạo Vụ Quản lý Công trình thủy lợi, hiện nay các công trình trong hộ thống thủy lợi đang sẵn sàng tiêu úng khi có yêu cầu.
Các công trình đê điều đang thi công dở dang từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã được lãnh đạo các địa phương kiểm tra và có báo cáo về phương án bảo vệ, đối phó khi bão đổ bộ.
Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có Công điện số 24/CĐ-TW hồi 23h45 ngày 29/7/2011 gửi các địa phương, đề nghị tiếp tục triển khai nội dung Công điện 1270/CĐ-TTg ngày 29/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần quyết liệt, khẩn trương hơn, đảm bảo công tác phòng tránh bão được hoàn tất trước 12h ngày 30/7/2011.
Các Bộ Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Công thương đã có công điện chỉ đạo các đơn vị trong ngành tập trung triển khai các biện pháp đối phó với bão số 3.
Bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh – Hà Tĩnh
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trưa nay (30/7) bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, khu vực này gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.
Đến 16h ngày 30/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Thái Bình - Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12 và có mưa rào và giông mạnh. Biển động dữ dội. Ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có giông. Trong cơn giông cần đề phòng có lốc xoáy. Vùng ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với triều cường cao từ 3 - 5m.
Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, ở khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và giông mạnh. Biển động. Trong cơn giông cần đề phòng có lốc xoáy.
Hồi 4h ngày 30/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển Thái Bình - Hà Tĩnh khoảng 290km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
(Nguồn: Chính phủ)