Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nơi cơn lũ đi qua

10:13, 05/07/2011
Tan hoang, bề bộn là những từ được dùng để nói về nơi vũng lũ vừa đi qua ở các huyện miền Tây xứ Nghệ.

 

Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCLB và tìm kiến cứu nạn tỉnh, cho đến hết ngày 1/7, toàn tỉnh đã có 05 người chết, 2 người mất tích; 03 người bị thương do mưa lũ gây ra; 43 ngôi nhà, 10 phòng học bị đổ, sập; hơn 2.400 ngôi nhà bị ngập, hơn 200 nhà, 72 phòng học cùng nhiều tài sản, vật nuôi của nhân dân bị lũ cuốn trôi; gần 6 trăm ngôi nhà ven bờ sông, suối bị sạt lở và phải di dời; hàng trăm ngôi nhà, phòng học và trạm y tế bị hư hỏng. Bão lũ cũng đã làm ngập hơn 15.000ha lúa Xuân chưa thu hoạch và lúa hè thu mới gieo cấy, trong đó có trên 11.000ha có khả năng mất trắng; hàng chục nghìn ha hoa màu, đường giao thông, thủy lợi, công trình nước sạch… bị ngập, sạt lở và hư hỏng. Tổng thiệt hại do đợt mưa lũ gây ra ước tính hơn 1.632 tỷ đồng.

 

Tài sản còn lại sau cơn lũ lớn (Ảnh; Trần Lan Anh)

 

Cuộc sống của đồng bào vùng cao, đặc biệt là vùng sâu còn muôn vàn khó khăn, nhiều gia đình trắng tay sau trận lũ, nhìn nhà cửa, vật dụng gia đình trôi theo dòng nước mà lực bất tòng tâm. Chị Trần Thị Cận, bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương nghẹn nghào: Nhà cửa bị cuốn trôi hết rồi, may mà còn giữ được 4 mạng người, không có chỗ ở phải đi ở nhờ nhà hàng xóm, ăn gạo cứu đói của nhà nước, không biết sẽ tiếp tục cuộc sống như thế nào.

 

Còn ở huyện Tân Kỳ, mưa lũ đã làm ngập hơn 2.515ha cây trồng, trong đó có 1.248ha ngô đang thời kỳ ngậm sữa, 41ha mạ, 72ha lúa mới gieo cấy, 191ha lạc, gần 300ha sắn, 166 lò ngói bị ngập trong nước... Bao nhiêu vốn liếng công sức bỏ ra giờ mất trắng, người dân chỉ biết xót xa và cố gắng tìm cách vớt cát lại một số diện tích hoa màu còn có khả năng cho thu hoạch.

 

Nhằm giúp đỡ bà con sớm vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất để tiến hành gieo cấy vụ mùa sớm theo đúng lịch thời vụ. Hiện cấp uỷ chính quyền từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Tân Kỳ đang tập trung chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực. Ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng phòng nông nghiệp huyện cho biết: UBND huyện phối hợp, chỉ đạo với các địa phương xử lý môi trường sau khi nước rút  để đảm bảo nước sạch, hạn chế dịch bệnh; khắc phục các công trình giao thông thuỷ lợi bị hư hỏng để đảm bảo cho nhân dân đi lại, tận thu những sản phẩm có thể thu hoạch được bù đắp thiệt hại. Huyện đang trình tỉnh và đề nghị hỗ trợ giống ngô cho nhân dân gieo trỉa lại, nước rút đến đâu tiến hành rửa lá để cây trồng tiếp tục sinh trưởng phát triển.

 

Trong trận lũ vừa qua, điện lực cũng là một trong những đơn vị chịu thiệt hại nặng nề, như ở huyện Kỳ Sơn lũ lớn đã tàn phá nhiều hệ thống đường dây cao thế và hạ thế. 2 cột cao thế bị đổ, 20 cột khác bị nghiêng và bật phần móng. 2 máy biến áp bị cháy và hư hỏng. Hơn 13nghìn mét dây hạ thế bị đứt, 20 cột hạ thế bị gẫy, 268 công tơ bị ngập nước... Ngành điện lực Kỳ Sơn đã đã nhanh chóng cắt điện khi lũ lên để hạn chế rủi ro, thiệt hại của đơn vị.

 

Do những thiệt hại quá lớn, hiện tại điện lực Kỳ Sơn đang nỗ lực khắc phục hậu quả bằng cách tạm thời thay thế những cột bị gãy đổ. Những điểm trọng yếu như Uỷ ban, Bưu điện, viễn thông, truyền hình được ưu tiên sửa chữa và cấp điện trước, đơn vị cũng tăng cường làm thêm giờ để sớm cung cấp điện trở lại phục vụ cho các cơ quan và người dân trên địa bàn.

 

Phòng học của trường Tiểu học TT Kỳ sơn ngập trong bùn đất (Ảnh: Trần Lan Anh)

 

Dù nước đã rút nhưng nhiều trường học trên địa bàn hai huyện Kỳ Sơn, Tương Dương vẫn bị ngập trong bùn đất. Tại huyện Tương dương cơn lũ đã làm sập 15 phòng học, gần 300 bộ bàn ghế, 8 nhà chức năng và hàng trăm bộ sách giáo khoa, các công cụ dạy và học khác... Hiện các lực lượng thanh niên, các cơ quan đơn bị đang cùng với nhà trường khắc phục để chuẩn bị cho năm học mới.

 

Chia sẻ những khó khăn mất mát với người dân, các ban ngành, lực lượng đã chung tay, góp sức cùng với người dân. Công an tỉnh Nghệ An đã điều động 24 cán bộ, chiến sỹ là đoàn viên thanh niên  đội cảnh sát cơ động đến huyện Kỳ Sơn cùng phối hớp với cán bộ chiến sỹ công an huyện giúp  bà con dọn dẹp nhà cửa. Đại úy Phan Tuấn Anh - trưởng ban công tác thanh niên công an tỉnh Nghệ An cho biết: Chúng tôi lên đây tinh thần tình nguyện và chủ động tất cả kinh phí, phương tiện để giúp đỡ các gia đình khó khăn, neo đơn, các gia đình chính sách không có khả năng khắc phục hậu quả sau lũ và các gia đình chiến sỹ công an.

 

Các lực lượng được huyện Quế Phong huy động tại chỗ giúp dân cứu lúa

(Ảnh: Nguyễn Như Khôi)

 

Các gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học bị ngập lũ cũng đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các lực lượng như Đoàn thanh niên, công an, quân đội. Anh Lô Văn Tiếp - khối 5 thị trấn Mường Xén, Kỳ Sơn rất xúc động: Trong cơn lũ vừa qua, nhà tôi bị thiệt hại nặng nề, nhà bị hư hỏng nặng, bùn lấp đầy nhà. Chúng tôi quá bất ngờ và cảm động khi gia đình đang dọn dẹp thì thấy các chú công an đến và bắt tay vào việc giúp gia đình. Chúng tôi xin cảm ơn đoàn đã giúp đỡ, vượt qua khó khăn trước mắt.

 

Tại huyện Tương Dương, công tác giúp dân khắc phục hậu qảu mưa lũ cũng được các lực lượng triển khai nhanh chóng. Ngoài việc dẹp tàn dư mà cơn lũ để lại, các địa phương cũng đã nhanh chóng cấp phát hàng cứu trợ cho bà con. Với phương châm không để người dân bị đói. 50 tấn gạo trợ cấp cứu đói kịp thời của tỉnh đã được huyện Tương Dương cấp phát đến người dân các xã Yên Tĩnh, Yên Na, Yân Hoà, Nga My, Xiêng My... với mứ chỗ trợ nhà bị sập, bị trôi di dời đi nơi khác là 100kg/hộ, nhà bị sạt lở, ngập là 50kg/hộ.

 

Cơn lũ đi qua đã để lại hậu quả nặng nề với các huyện miền tây xứ Nghệ, đời sống của bà con đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn. Đã có nhiều cuộc hợp của các ban nghành cấp tỉnh đến huyện để đưa ra được những giải pháp tối ưu nhất về công tác chỉ đạo  khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và thống nhất cơ chế hỗ trợ thiệt hại do cơn bão số 2 gây ra. Trước mắt, tập trung ưu tiên chỉ đạo ổn định đời sống dân sinh và khôi phục sản xuất hè thu kịp thời vụ. Tỉnh trích nguồn ngân sách dự phòng trên 18 tỷ đồng để hỗ trợ dân sinh và khắc phục sản xuất hè thu và đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 4.000 tấn gạo cứu đói; 200 cơ số thuốc, 1.000kg CloraminB, 500 lít Permetrin, 500kg phèn chua cho nhân dân vùng thiệt hại phòng dịch bệnh, hỗ trợ 400 tấn giống lúa Khang dân 18 khôi phục sản xuất cùng các loại thuốc xử lý môi trường, vắc xin phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi và 500 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ nhân dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, tu sửa công trình giao thông, thủy lợi và các hồ đập. UBND tỉnh còn có thêm các quyết định hỗ trợ an sinh xã hội, chăn nuôi theo QĐ 142 của Chính phủ, hỗ trợ từ nguồn Quỹ cứu trợ; cấp kinh phí từ nguồn chính phủ hỗ trợ khẩn cấp; cấp tiếp về vật tư, phương tiện cho các địa phương phục vụ phòng chống lụt bão. Riêng ngành giáo dục thống kê những thiệt hại của giáo viên trong cơn bão số 2 để trình UBMTTQ tỉnh hỗ trợ. Ngành nông nghiệp tiếp tục đề xuất hỗ trợ về phương tiện, vật tư cho công tác PCLB trình tỉnh phê duyệt.    

Hy vọng với sự vào cuộc của tất cả các cấp ngành, sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng và với và tinh thần tương ái, lá rành đùm lá rách, bà con vùng lũ nơi miền tây xứ nghệ sẽ vượt qua khó khăn để sớm ổn định cuộc sống. 

 

 

(Ngân Huyền)