Các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2011
Mức phụ cấp 70% áp dụng với công chức, viên chức chăm sóc người bệnh HIV/AIDS
Nghị định 56/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 19/8/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức, cán bộ y tế xã, phường, thị trấn (đang làm việc theo chế độ hợp đồng theo Quyết định số 58/TTg ngày 3/2/1994 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số vấn đề về tổ chức và chế độ chính sách đối với y tế cơ sở) trực tiếp làm chuyên môn; công chức, viên chức làm công tác quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các chuyên khoa HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh lý, pháp y trong các cơ sở sự nghiệp y tế công lập.
Mức phụ cấp 70% áp dụng với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần; giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý.
Mức phụ cấp 60% áp dụng với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc người bệnh cấp cứu, hồi sức cấp cứu, cấp cứu 115, truyền nhiễm xét nghiệm, phòng chống bệnh truyền nhiễm; kiểm dịch y tế biên giới.
Mức phụ cấp 50% áp dụng với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, điều trị tích cực, nhi, chống độc, bỏng và da liễu.
Mức phụ cấp ưu đãi 40% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa;...
Công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế để thực hiện các công việc: truyền thông giáo dục sức khỏe; dân số - kế hoạch hóa gia đình;... được hưởng phụ cấp 30%.
Đối với công chức, viên chức không trực tiếp làm chuyên môn y tế; công chức, viên chức y tế làm công tác quản lý, phục vụ tại các đơn vị sự nghiệp y tế nói chung (trừ trường hợp công chức, viên chức quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở, viện, bệnh viện chuyên khoa, các trung tâm HIV/AIDS, phong,...) viên chức làm công tác chuyên môn y tế tại cơ quan, đơn vị, trường học thì thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để xem xét, quyết định nhưng không vượt quá mức 20% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.
Chế độ ưu đãi đối với người làm công tác cơ yếu
Theo Nghị định số 41/2011/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/8/2011, người làm công tác cơ yếu nghỉ hưu được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định hiện hành của pháp luật về BHXH.
Bên cạnh đó, trường hợp người làm công tác cơ yếu thuộc diện dôi dư do thay đổi tổ chức, biên chế theo quyết định của cấp có thẩm quyền, nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất sẽ được hưởng trợ cấp một lần gồm: 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 1/2 tháng tiền lương.
Người làm công tác cơ yếu khi thôi làm việc trong tổ chức cơ yếu, nhưng không đủ điều kiện để nghỉ hưu hoặc không chuyển ngành thì giải quyết thôi việc và được hưởng các quyền lợi sau: Được trợ cấp tạo việc làm bằng 6 tháng tiền lương tối thiểu; được ưu tiên học nghề hoặc giới thiệu việc làm; được trợ cấp thôi việc 1 lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương; được hưởng chế độ BHXH và các chế độ khác theo quy định hiện hành của pháp luật...
Cho phép mở tài khoản tại các CTCK khác nhau
Theo Thông tư số 74/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch chứng khoán, có hiệu lực thi hành từ 1/8/2011, nhà đầu tư (NĐT) chỉ được phép mở 1 tài khoản giao dịch tại mỗi công ty chứng khoán (CTCK) (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt
Trường hợp NĐT mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại các CTCK khác nhau thì trong hồ sơ mở tài khoản tại CTCK mới phải ghi rõ số lượng tài khoản đã mở và mã số tài khoản tại các CTCK trước đó.
Tại mỗi CTCK nơi NĐT mở tài khoản giao dịch, NĐT chỉ được phép mở 1 tài khoản giao dịch ký quỹ. CTCK phải quản lý tách biệt tài khoản giao dịch ký quỹ của NĐT với các tài khoản giao dịch khác.
CTCK có nghĩa vụ công bố công khai danh mục chứng khoán mà công ty thực hiện giao dịch ký quỹ.
Khuyến khích phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ
Theo Thông tư số 96/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ 18/8/2011, Nhà nước sẽ miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm mà trong nước chưa sản xuất được.
Bên cạnh đó, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, bao gồm: máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được, công nghệ trong nước chưa tạo ra được; tài liệu, sách, báo, tạp chí khoa học và các nguồn tin điện tử về khoa học và công nghệ.
Thông tư 96/2011/TT-BTC hướng dẫn chính sách tài chính khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với các ngành: cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt - may, da - giầy và công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghệ cao theo quy định tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg.
Tuyển sinh sai quy định phạt đến 80 triệu đồng
Theo Nghị định 40/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005, hành vi ngược đãi, hành hạ người học, xâm phạm nhân phẩm, thân thể nhà giáo trước đây chưa được quy định thì nay đã được quy định. Cụ thể, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi ngược đãi, hành hạ người học; phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm nhân phẩm, thân thể nhà giáo.
Hành vi tuyển sinh để đào tạo cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ vượt quá chỉ tiêu số lượng hoặc sai đối tượng, tiêu chuẩn theo quy định bị phạt tiền từ 10-80 triệu đồng. Như vậy, với hành vi này, mức phạt đã tăng so với quy định trước đây (quy định cũ 2-60 triệu đồng).
Theo quy định trước đây, nếu vi phạm một trong các hành vi sau: đào tạo, cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân vượt quá thẩm quyền được giao; đào tạo các ngành, chuyên ngành ngoài thẩm quyền được giao thì sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng, thì Nghị định 40/2011/NĐ-CP quy định, vi phạm một trong các hành vi nêu trên sẽ bị phạt từ 40-60 triệu đồng.
Nghị định 40/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 1/8/2011.
Phạt đến 30 triệu đồng nếu khai man chứng từ kế toán
Theo Nghị định 39/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán vừa được Chính phủ ban hành, mức phạt tiền cao nhất sẽ tăng từ 20 lên 30 triệu đồng.
Nghị định mới quy định tăng mức phạt đối với các hành vi như: vi phạm quy định về chứng từ kế toán; về sổ kế toán; tài khoản kế toán; hành nghề kế toán...
Cụ thể, đối với hành vi lập chứng từ kế toán không đủ số liên theo quy định của mỗi loại chứng từ kế toán; lập hoá đơn bán hàng nhưng không giao hoá đơn bán hàng cho khách hàng theo quy định, nếu như trước đây bị phạt từ 1-5 triệu đồng thì theo quy định mới sẽ bị phạt từ 2-10 triệu đồng.
Hành vi giả mạo, khai man chứng từ kế toán, mức phạt sẽ tăng từ 5-20 triệu đồng lên 10-30 triệu đồng.
Mức phạt từ 15-30 triệu đồng cũng sẽ được áp dụng thay cho mức phạt từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi giả mạo sổ kế toán; cố ý để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị hoặc tài sản có liên quan đến đơn vị...
Thành lập Phòng Pháp chế ở 14 Sở
Theo Nghị định 55/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2011, Phòng Pháp chế được thành lập ở 14 Sở: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.
Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Phòng Pháp chế hoặc quyết định việc bố trí công chức pháp chế chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn được thành lập theo đặc thù riêng của từng địa phương và ở các cơ quan chuyên môn ngoài 14 Sở nói trên.
Tăng thời hạn Giấy phép du lịch Việt Nam cho khách nước ngoài
Theo Thông tư 44/2011/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 14/8/2011, Giấy phép thăm quan, du lịch Việt Nam cho người nước ngoài quá cảnh có thời hạn phù hợp với thời gian quá cảnh và chương trình tham quan, du lịch Việt Nam nhưng không quá 15 ngày.
Như vậy, so với quy định hiện nay tại Quyết định số 1279/2002/QĐ-BCA thì thời hạn của Giấy phép này được tăng thêm 10 ngày, từ 5 ngày lên 15 ngày.
Doanh nghiệp lữ hành quốc tế làm thủ tục cấp giấy phép thăm quan, du lịch Việt Nam tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Trong thời hạn không quá 1 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị, Cục Quản lý xuất nhập cảnh có văn bản trả lời doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trường hợp không giải quyết cũng sẽ nêu rõ lý do.
Cũng liên quan đến người nước ngoài, Nghị định 46/2011/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/8/2011, bổ sung quy định về người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các gói thầu hoặc dự án của nhà thầu nước ngoài đã trúng thầu tại Việt Nam.
Cụ thể, trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, chủ đầu tư phải quy định nội dung về việc sử dụng người lao động Việt Nam và người nước ngoài theo quy định của pháp luật, trong đó phải ưu tiên sử dụng người lao động Việt Nam thực hiện các công việc mà người lao động Việt Nam có khả năng thực hiện.
Trường hợp gói thầu cần sử dụng người nước ngoài có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của gói thầu thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của gói thầu phải quy định nhà thầu nước ngoài có phương án sử dụng người nước ngoài bao gồm: vị trí công việc, số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, thời gian thực hiện công việc.
Hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu nước ngoài phải có phương án sử dụng người lao động Việt Nam và người nước ngoài theo yêu cầu của chủ đầu tư.
(Nguồn: Chính phủ)