Đẩy mạnh công tác truyền thông để kiểm soát dân số vùng biển
Gia đình chị Hồ Thị Sáng, anh Nguyễn Văn Thái là một trong những hộ nghèo ở xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu. Anh Thái làm nghề chài lưới, còn chị Sáng buôn bán nhỏ. Cuộc sống khốn khổ đủ bề, nên con cái cũng học hành lỡ dở. Năm nay, chị Sáng mới 39 tuổi, nhưng đứa con gái lớn đã lập gia đình. Vì cuộc sống quá vất vả, đứa con trai thứ 2 phải bỏ học đi theo các tổ thợ làm thuê. Điều anh chị lo lắng là không biết cuộc sống sắp tới sẽ ra sao khi đứa con gái thứ 5 mới hơn một tuổi, chị lại chuẩn bị sinh thêm cháu nữa. Chị Sáng tâm sự: Sau khi sinh cháu thứ 4 thì đặt vòng được 12 năm, vì bị đau lưng nên tháo vòng, nghĩ rằng đã hết tuổi sinh đẻ ai ngờ vừa tháo vòng là có thai cháu thứ 5. Khi cháu được 5 tháng, bên dân số có đến vận động dùng biện pháp tránh thai, nhưng khi lên trạm mới biết đã có thai 2 tháng nên không đặt vòng được.
Quỳnh Thọ là một xã ven biển nghèo của huyện Quỳnh Lưu. Đến đây, nếu không đúng thời điểm thì khó có thể tìm gặp được đàn ông, phụ nữ trong độ tuổi lao động. Các ông chồng đi biển hoặc rời quê tìm việc làm thuê ở các tỉnh phía Nam. Phụ nữ phần lớn ở nhà nhưng cũng phải chạy chợ bán buôn hôm sớm. Lũ trẻ, đứa lớn chơi với đứa nhỏ, may mắn thì có ông bà chăm sóc. Con đường của chúng đã được định sẵn, học ít năm cho biết chữ rồi chờ đủ lớn để kế nghiệp bố mẹ…
Vẫn biết sinh nhiều, khổ nhiều. Nhưng đối với những người chồng, người vợ nơi đây, con cái là cái phúc, cái phận. Những cậu con trai sau này là niềm hi vọng đỡ đần, chung vai gánh vác gia đình. Hơn nữa, dù không nói ra nhưng ai cũng nghĩ, đẻ thêm, đẻ thừa, để phòng khi nghề biển gặp rủi ro…
Mong muốn sinh nhiều con, có thêm con trai, kém hiểu biết về kiến thức phòng tránh thai, chăm sóc SKSS… là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đẻ dày, đẻ nhiều ở các làng quê vùng biển này.
Đẩy mạnh hoạt động truyền thông góp phần kiểm soát và nâng cao chất lượng dân số vùng biển (Ảnh minh họa) |
Theo thống kê sơ bộ vào năm 2009, dân số vùng biển Nghệ An có trên 1,2 triệu người, chiếm gần 40% số dân cả tỉnh. So với bình quân chung của tỉnh, thì ở 39 xã, phường vùng biển, tỷ lệ sinh con thứ 3 luôn vượt trội hơn (18,5%o); số cặp vợ chồng chấp nhận các biện pháp tránh thai đạt thấp (68%). Sự vất vả mang tính đặc thù của nghề biển, cộng với những hạn chế về nhận thức, những tập quán lâu đời… là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục (trên 75%). Điều đáng lo ngại là nơi đây, rất nhiều trẻ không được đến trường hoặc chỉ học hết bậc tiểu học, số trẻ dị tật, dị dạng, thiểu năng cũng là vấn đề đáng báo động.
Tuy ý thức rõ thực trạng này, nhưng công tác tuyên truyền, thực hiện chính sách dân số luôn gặp nhiều khó khăn. Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc SKSS - KHHGĐ chưa đủ điều kiện giải quyết các đặc thù, đặc điểm kinh tế, xã hội của vùng biển… Chính vì vậy, đề án 52 của Chính phủ về kiểm soát dân số vùng biển, đảo giai đoạn 2009-2020 ra đời đã đem lại một luồng gió mới cho các làng quê ven biển Nghệ An.
Thị xã Cửa Lò là địa phương duy nhất phủ đề án đối với tất cả 7 phường xã. Tuy có nhiều thuận lợi hơn các địa phương khác nhưng những khó khăn từ ý thức, tâm lý, tập quán thì vẫn không kém nặng nề. Chính vì vậy, đòi hỏi sự sáng tạo trong hoạt động tuyên truyền của đội ngũ cán bộ dân số. Sự ra đời của nhóm “Nam giới biển” là một ví dụ tiêu biểu cho sự sáng tạo này. Thông qua các hoạt động sôi nổi, linh hoạt, từng thành viên nam đã được cung cấp kiến thức, kỹ năng cũng như nâng cao vai trò, vị trí của mình trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc. Mỗi tháng 1 – 2 lần, những người chồng, người cha lại gặp nhau vào kỳ biển động. Và từ đây, không chỉ có nhóm “Nam giới biển”, các nhóm “phụ nữ biển”, “thanh niên biển” cũng lần lượt ra đời. Mưa dần thấm lâu, thông qua sinh hoạt nhóm, người dân được tiếp cận với những kiến thức, kỹ năng về sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, từ đó nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về dân số.
Anh Nguyễn Khắc Thiên, ở khối Hải Trung, Phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò là một trong hơn 60 thành viên của nhóm “Nam giới biển”. Anh chị đã có hai cháu trai. Niềm ao ước của vợ chồng anh là sinh thêm một cháu gái. Dự định này trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết khi anh Thiên xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc trở về, khi điều kiện kinh tế của gia đình đã khá giả hơn trước. Nhưng sau 6 tháng sinh hoạt tại nhóm “nam giới biển”, anh đã thay đổi ý định và trở thành một cán bộ truyền thông thuyết phục vợ đồng ý với quyết định của mình.
Cụ thể hóa đề án 52, kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển, thị xã Cửa Lò đã ban hành đề án “nâng cao chất lượng hoạt động dân số giai đoạn 2011-2015”, hướng đến mục tiêu 80-85% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại; 70-93% dân số được tiếp cận các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ; giảm tỷ lệ trẻ em bị dị dạng, dị tật và thiểu năng trí tuệ do rối loạn chuyển hoá và di truyền mỗi năm từ 4-6.
Với những cách làm sáng tạo, phù hợp với mỗi địa phương, đề án 52 kiểm soát dân số vùng biển tại Nghệ An đã được cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động. Huyện Diễn Châu tập trung vào các câu lạc bộ tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số khi sinh… Huyện Quỳnh Lưu, địa phương có quy mô dân số đông nhất của Nghệ An, đã tập trung vào nhiệm vụ hỗ trợ phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn và phá thai an toàn. Ngoài các câu lạc bộ, sinh hoạt nhóm nhỏ, các chiến dịch truyền thông có quy mô lớn, cán bộ chuyên trách dân số cơ sở còn đến từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, hướng dẫn, cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.
Thông qua các chiến dịch truyền thông, các câu lạc bộ, sinh hoạt nhóm, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc trẻ em tại các trạm y tế, các hoạt động của đề án 52 đã làm thay đổi quan trọng nhận thức của một bộ phận không nhỏ các cặp vợ chồng trong việc thực hiện KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe bản thân và nuôi dạy con cái. Với cách làm đang được chứng minh về tính hiệu quả, trong năm 2011, tỉnh Nghệ An phấn đấu sẽ có khoảng 72% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các xã, phường ven biển thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, 80% dân số vùng ven biển được tiếp cận các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ; mỗi năm giảm khoảng 4-5% tỷ lệ trẻ dị tật, thiểu năng trí tuệ do rối loạn chuyển hóa và do di truyền. Mặc dù vậy, “thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi” không phải là kết quả dễ dàng gặt hái trong một sớm một chiều. Những thử thách khó khăn vẫn còn rất nhiều ở phía trước. Những mô hình hiệu quả hiện nay mới chỉ dừng lại ở một số xã, phường được chọn làm điểm. Việc nhân rộng mô hình đòi hỏi một nguồn lực lớn từ số lượng cán bộ, kinh phí hoạt động... Đề án 52 được triển khai trong thời gian khá dài 2009-2020, trong khi ngoài mục tiêu kiểm soát dân số, đề án còn hướng tới các hiệu quả tổng hợp từ nâng cao nhận thức, trình độ cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc trẻ sơ sinh và bà mẹ mang thai…
Tuy mới chỉ đạt được một số kết quả bước đầu sau 2 năm triển khai đề án 52 tại Nghệ An nhưng có thể nói, những khó khăn, thách thức trong công tác DS-KHHGĐ tại vùng biển đang được tháo gỡ dần. Đẩy mạnh công tác truyền thông; phát huy, nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả ở cơ sở đó là hướng đi để Nghệ An phấn đấu tiến tới kiểm soát và nâng cao chất lượng dân số vùng biển và ven biển vào năm 2020.
(Hoa Mơ)