Nghệ An phát huy hiệu quả Đề án hỗ trợ nhân lực, thiết bị cho cơ sở y tế tuyến dưới
Thực hiện đề án 1816, Bệnh viện Nhi Trung ương và Viện Tim mạch quốc gia đã nhiều lần cử chuyên gia, những người dày dạn kinh nghiệm trực tiếp về làm việc tại Bệnh viện Nhi Nghệ An để chuyển giao kỹ thuật điều trị mới, trong đó chú trọng vào 3 lĩnh vực chuyên sâu đó là tim mạch, ung thư máu và tâm thần kinh. Với phương châm đào tạo “cầm tay chỉ việc”, các kỹ thuật khó đã từng bước được chuyển giao. Đến nay, Bệnh viện Nhi đã thực hiện chẩn đoán, điều trị thành công cho trên 40 trường hợp bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh, trong đó có 30 trường hợp bị bệnh còn ống động mạch và 10 trường hợp bị hẹp van động mạch phổi. Thông qua sự giúp đỡ của thạc sĩ Trần Văn Học – phó trưởng khoa Thần kinh, BV Nhi TƯ, BV Nhi Nghệ An đã bước đầu điều trị bệnh nhân bị tự kỉ. Đây là cơ sở để thời gian tới BV thành lập thêm khoa Thần kinh - Phục hồi chức năng - Tâm bệnh nhằm giúp các gia đình phát hiện, can thiệp sớm trẻ tự kỷ. Hay như trước đây, bệnh nhân bị vàng da ở thể nặng phải thay máu phải chuyển lên tuyến trên điều trị thì nay nhờ đề án 1816, các bác sĩ khoa Sơ sinh, BV Nhi Nghệ An đã thực hiện thành công kỹ thuật này…
Sau 3 năm thực hiện Đề án 1816, ngành y tế Nghệ An đã đón nhận trên 40 lượt cán bộ của các bệnh viện tuyến TW đến hỗ trợ, chuyển gia trên 20 kỹ thuật cho các BV Hữu nghị đa khoa tỉnh, BV Y học cổ truyền, BV Lao và bệnh phổi, Bệnh viện tâm thần, BV Nhi. Các đơn vị trong ngành cũng đã cử gần 240 lượt bác sĩ tuyến tỉnh, huyện tăng cường cho tuyến xã. Các kỹ thuật do tuyến trên chuyển giao đã được các đơn vị tiếp nhân và thực hiện thành công. Không chỉ chuyển giao các kỹ thuật còn thiếu và yếu theo yêu cầu, các bác sĩ tuyến trên còn tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo tại chỗ cho các đồng nghiệp nơi mình đến tăng cường, trực tiếp khám và điều trị cho nhân dân. Với những bước tiến trong chẩn đoán và điều trị, chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện trong tỉnh đã được nâng lên rõ rệt và nhận được sự phản ánh tốt từ phía người bệnh. Có thể nói rằng, Đề án 1816 đã giải quyết được phần nào bài toán nhân lực và nâng cao chất lượng KCB tại tuyến dưới, làm giảm dần khoảng cách giữa các tuyến.
Để đạt được những kết quả trên, ngay từ khi triển khai thực hiện đề án, UBND tỉnh, ngành y tế và 26/26 bệnh viện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án. Hàng tháng, qua các cuộc giao ban của ngành, các đơn vị báo cáo việc thực hiện tăng cường bác sĩ cho tuyến cơ sở và kết quả bác sĩ tuyến TƯ về chuyển giao kỹ thuật tại các đơn vị. Ngành cũng đã phát động phong trào thi đua làm theo lời dạy của Bác, quán triệt nội dung Đề án 1816 và Quy tắc ứng xử của Bộ Y tế cho đội ngũ CBVC trong ngành. Đồng thời, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện đề án; tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và hỗ trợ một phần kinh phí cho cán bộ tuyến trung ương. Riêng các bác sĩ từ tỉnh tăng cường về huyện và xã, ngoài lương và phụ cấp hiện hưởng được hỗ trợ thêm tiền khu vực.
Có thể khẳng định việc thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế ngay tại cơ sở khám chữa bệnh ban đầu là Trạm y tế xã. Từ đó, đã thu hẹp khoảng cách thụ hưởng dịch vụ y tế giữa miền ngược và miền xuôi, giữa thành thị và nông thôn. Đồng thời đã phần nào giúp ngành y tế địa phương triển khai thực hiện tốt các kỹ thuật theo phân cấp của Bộ Y tế, tạo được nguồn cán bộ ngay tại chỗ mà không phải lên các bệnh viện tuyến trên để học.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất ở Nghệ An trong việc thực hiện Đề án 1816 là việc thiếu bác sĩ ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện và xã. Có nhiều địa phương, nhất là miền núi và nhiều bệnh viện như BV Lao, Tâm thần và một số trung tâm thuộc hệ dự phòng.. nhiều năm nay không tuyển dụng được thêm một bác sĩ nào. Vì vậy, việc tăng cường bác sĩ cho tuyến cơ sở lại làm thiếu hụt bác sĩ ở tuyến trên trở nên trầm trọng hơn.
Để đề án 1816 tiếp tục được duy trì và thực hiện có hiệu quả, giúp cho tuyến dưới về lâu dài có thể tự xử trí những ca bệnh phức tạp mà không cần chuyển tuyến trên, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân thì đề án cần được vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với điều kiện từng địa phương; cần có sự hỗ trợ đồng bộ của nhà nước về nhân lực, trang thiết bị, thuốc và vật tư y tế đi kèm với việc hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.
(Hiến Chương)