Những vướng mắc trong thực hiện Luật BHYT tại Nghệ An
Nhờ triển khai thực hiện Luật BHYT mới, quyền lợi của người bệnh BHYT ngày càng được mở rộng và nâng cao. Người nghèo và cận nghèo, nhất là đồng bào các dân tộc vùng sâu vùng xa đã có điều kiện tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Trước khi Luật BHYT có hiệu lực, toàn tỉnh chỉ có hơn 1.570.000 người tham gia BHYT, chỉ chiếm 52,6% dân số, thì đến cuối tháng 7/2011 tổng số đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn đã tăng lên hơn 2 triệu người, chiếm 69,4% dân số trong toàn tỉnh. Đặc biệt, việc duy trì khám chữa bệnh ban đầu tại 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn, đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng và thuận lợi ngay từ tuyến cơ sở, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho người dân, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHYT đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, mọi đối tượng tham gia đều chưa đạt mục tiêu đề ra, nhất là nhóm đối tượng hộ gia đình cận nghèo. Đến nay, số hộ cận nghèo trong tòan tỉnh tham gia BHYT mới chỉ đạt tỷ lệ 40%. Bên cạnh đó, đối tượng tham gia BHYT tự nguyện chưa nhiều, vì do phần lớn người dân thuộc diện này chưa nhận thức đầy đủ tính nhân văn của chính sách BHYT, nên đa số những người có bệnh mới tính đến chuyện tham gia BHYT. Ngoài ra, đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi các địa phương kê khai lập danh sách không đầy đủ nên số lượng trẻ em được cấp thẻ BHYT mới chỉ đạt 71,8%, gây khó khăn cho công tác thanh quyết toán.
Điều đáng nói, theo Luật BHYT hiện hành thì bệnh nhân khám chữa bệnh trái tuyến bằng thẻ BHYT vẫn được thanh toán ở 3 mức 40%, 50%, 70% tùy theo bệnh viện tuyến trung ương, tuyến thành phố và cấp huyện. Tuy nhiên, đã hai năm triển khai luật, vẫn rất ít người có thẻ BHYT biết đến quyền lợi của mình. Nguyên nhân do công tác tuyên truyền chưa được chú trọng. Bệnh viện tuyến trên thì không mấy "mặn mà" với việc giải thích quyền lợi cho người bệnh vì khi được biết KCB trái tuyến vẫn được chi trả một phần viện phí, người bệnh sẽ vượt tuyến và tiếp tục gây nên tình trạng quá tải. Còn tại địa phương, việc thông tin, tuyên truyền những quy định mới của Luật BHYT vẫn chưa được quan tâm nên quy định vẫn nằm trên giấy, chưa đến được với người tham gia BHYT. Về phía các cơ sở y tế, lại đang phải đối mặt với các khó khăn như cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị khám chữa bệnh xuống cấp, nhân lực còn hạn chế.
Trước những thực trạng đó, để Luật BHYT đi vào đời sống thực tiễn, ngoài sự nổ lực của cơ quan BHXH, trong thời gian tới rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương. Về phía cơ quan BHXH, đã đề ra một số nhóm giải pháp trọng tâm để khắc phục: Tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia BHYT đên với mọi đối tượng, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi; Tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHYT; Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan bảo hiểm với ngành y tế để người dân được đảm bảo quyền lợi và làm tốt công tác giám định để hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra.
Luật Bảo hiểm y tế đánh dấu một bước tiến quan trong trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế ở nước ta. Vì vậy, việc sớm bổ sung sửa đổi, khắc phục những hạn chế tồn tại trong quá trình thực hiện Luật sẽ từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Từ đó, sẽ góp phần xây dựng một nền y tế Việt Nam theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.
(Hiến Chương)