Chuyện buồn làng biển
Cô bé Trần Thị Lan ở xóm Quyết Thắng, Diễn Bích, huyện Diễn Châu từng là một học sinh khá của trường làng. Nhưng vì gánh trên vai trọng trách là chị của một lũ em, vì thương mẹ, thương cha, mà tự nguyện từ bỏ ước mơ của mình. Cũng vì mục tiêu là phải kiếm bằng được thằng con trai mà bố mẹ Lan đã phải cố gắng trong 21 năm. Đến bây giờ, khi sinh hạ được cậu út thứ 8 thì mẹ Lan nay đã 45 tuổi, bố cũng đã gần 50. Vợ đau yếu triền miên sau lần sinh nở khó khăn. Anh Tính trở thành trụ cột của cả nhà. Những đứa con gái như chị em Lan, ngày ngày tích cực đan, vá lưới thuê để hỗ trợ bố mẹ nuôi em.
Giờ đây, mỗi khi nhìn cậu con trai mới gần 1 tuổi, những đứa con gái phải nghỉ học làm thuê, người mẹ không nguôi nỗi lo cho tương lai mịt mờ của con trẻ.
Ở làng biển, những đứa trẻ phải nghỉ học sớm như chị em Lan không hiếm. Bởi ở đây, từ bao đời vẫn vậy, con gái, con trai chỉ cần sức khỏe. Học nhiều rồi cũng lấy vợ, lấy chồng, chạy chợ sớm hôm, ra khơi đánh cá, cũng bám đồng muối, chài lưới ven sông… Những gia cảnh nghèo cứ thế được nhân lên mãi...
Kiểm soát dân số là một thách thức lớn trong công tác nâng cao chất lượng dân số ở vùng biển Nghệ An |
Gia đình chị Hồ Thị Sáng, anh Nguyễn Văn Thái là một trong những hộ nghèo ở xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu. Anh làm nghề chài lưới, còn chị buôn bán nhỏ. Làm lụng vất vả quanh năm nhưng hiếm khi được bữa đủ no. Đứa thứ 5 mới hơn một tuổi, thế nhưng anh chị lại chuẩn bị đón thêm thành viên thứ 6.
Tất bật vì miếng cơm manh áo, dường như chị cũng quên mất tuổi của mình. Tưởng rằng đã hết tuổi sinh đẻ, thế nhưng khi đã lỡ…, anh chị mới giật mình, cả hai vợ chồng chưa đến tuổi 40. Chị Sáng nói: Sau khi sinh cháu thứ 4, đặt vòng được 12 năm thì tháo vòng, nghĩ rằng đã hết tuổi sinh đẻ, ai ngờ, vừa tháo vòng là có thai cháu thứ 5. Khi cháu được 5 tháng, bên dân số có đến vận động dùng biện pháp tránh thai, nhưng khi lên trạm mới biết lại có thai 2 tháng nên không đặt vòng được…
Ngay cạnh nhà chị Sáng, ông Thịnh, bà Liên cũng đang sống trong cảnh hiu hắt. Ngôi nhà trống trơn, tuềnh toàng... Lũ trẻ lem luốc... Ông bà có 4 đứa con, 3 gái một trai, nay đã trưởng thành, đều đi Nam tìm việc làm thuê. Nhưng vì không được học hành, không biết cả mặt chữ, nên thu nhập cũng chẳng là bao. Sinh con ra, chúng đành gửi về nhờ ông bà chăm sóc.
Cũng vì cái nghèo, mà đứa cháu gái bị té ngã trước thềm nhà, di chứng liệt toàn thân, nhưng chưa một lần được khám chữa chu đáo. Lũ trẻ, tự biết phận mình, đứa lớn chơi với đứa nhỏ. Con đường phía trước đã được định sẵn, nếu may mắn thì đến trường vài ba năm cho biết chữ, rồi tiếp tục hành trình giống như ông bà, cha mẹ chúng…
Làng Thọ Phú - khác với cái tên mang ý nguyện bao đời về cuộc sống trù phú, an khang; cuộc sống của hơn 200 hộ dân nơi đây vẫn nghèo, vẫn khổ như vậy… Vẫn biết sinh nhiều, khổ nhiều. Nhưng đối với những người chồng, người vợ nơi đây, con cái là cái phúc, cái phận. Những cậu con trai sau này là niềm hi vọng đỡ đần, chung vai gánh vác gia đình. Hơn nữa, dù không nói ra nhưng ai cũng nghĩ, đẻ thêm, đẻ thừa, để phòng khi nghề biển gặp rủi ro… Chị Nguyễn Thị Liễu, làng Thọ Phú, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu cho rằng: Của cải ăn mấy cũng hết, con cái biết mấy cho vừa. Bây giờ còn trẻ thì cố mà đẻ, lỡ sau này già có gì lỡ làng thì muốn đẻ nữa cũng không được. Một hai đứa, rồi 5, 6 đứa, biết mấy là vừa…
Với những suy nghĩ như chị Liễu, những hoàn cảnh như gia đình chị Sáng, ông Thịnh bà Liên, mà Thọ Phú nói riêng, xã Quỳnh Thọ nói chung, việc vi phạm chính sách dân số, sống chung với đói nghèo, bệnh tật đã trở thành chuyện thường ngày như ăn cơm, uống nước. Nơi đây, gần một nửa số hộ sinh con thứ 3 trở lên, cá biệt có nhiều gia đình sinh đến lượt thứ 5, thứ 6. Cũng vì đông con, mà Quỳnh Thọ có tên trong danh sách những xã biển nghèo nhất Quỳnh Lưu. Vì nghèo, vì khổ, trẻ em Quỳnh Thọ có gần 20% bị suy dinh dưỡng. Điều đặc biệt, số hộ đông dân, đói nghèo tập trung hầu hết vào các gia đình giáo dân.
Chuẩn bị vào mùa khai giảng năm học mới… trong khi trẻ em nhiều nơi hân hoan cặp, sách đến trường, thì với những đứa trẻ nơi đây, lại bắt đầu cuộc hành trình trở thành “một lao động chính”. Với chúng, học chữ không quan trọng, bởi có một điều bức thiết hơn là kiếm sống qua ngày.
Diễn Bích là xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao thứ hai của huyện Diễn Châu. Để hạn chế tình trạng này, chính quyền địa phương đã từng ban hành nhiều hình thức xử lý, nhưng không hiệu quả. Từ năm 2000, xã đã có quy định các gia đình sinh con thứ 3 trở lên phải nộp 200.000 đồng vào quỹ dân số của địa phương. Để làm gương, 3 thế hệ trong gia đình bà Phó chủ tịch UBND xã phụ trách về Dân số kiên quyết chỉ sinh hai con dù trai hay gái. Nhưng xem ra, từ việc tuyên truyền cho đến hình thức xử lý bằng tài chính, chuyện KHHGĐ ở Diễn Bích vẫn còn nan giải. Bà Vũ Thị Hoa - Phó chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho biết: Không có gì ràng buộc để bắt nộp phạt, địa phương đã phải dùng đến biện pháp như cắt điện mà cũng không được, thu tại trạm y tế thì họ ôm con bỏ trốn, không thu được cả trạm phí.
Tại sổ đăng ký khai sinh của UBND xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, dễ dàng tìm thấy những cháu sinh thứ 3, thứ 4, thứ 5. Trẻ em sinh ra đều có quyền được khai sinh, thậm chí cán bộ xã phải vận động gia đình khai sinh cho trẻ đúng thời hạn nên mặc dù gia đình chưa thực hiện việc nộp tiền theo quy định của xã, nhưng việc khai sinh cho trẻ vẫn phải tiến hành. Không thể ép buộc người dân thực hiện trách nhiệm theo quy định, quỹ dân số Quỳnh Thọ đề ra từ năm 2005 đến nay vẫn chưa thu được đồng nào vì người dân nghèo nên họ viện các lý do khác nhau để chậm nộp phạt, trong khi không thể dừng việc khai sinh…
Dân số vùng biển Nghệ An hiện có khoảng trên 1,2 triệu người, chiếm gần 40% dân số cả tỉnh. Tỷ lệ sinh con thứ 3 của vùng biển ở mức 18,5%, đặc biệt ở một số xã, tỷ lệ này trên 35%. Với quan điểm “nặng về tuyên truyền, nhẹ về xử phạt”, hiện tại Nhà nước vẫn chưa có một điều khoản nào quy định rõ hình thức xử phạt với những người sinh quá số con quy định. Tại quyết định 105/2005, UBND tỉnh Nghệ An có đưa ra mức trách nhiệm mà các gia đình sinh con thứ 3 trở lên phải nộp vào quỹ dân số của địa phương là từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/1 lần vi phạm. Tuy vậy, đó chỉ là mức trách nhiệm chung, còn tùy thuộc vào quy định của địa phương, quy ước, hương ước của làng, xã. Và cũng vì chưa có một văn bản cụ thể nào trao quyền cho địa phương trong việc xử phạt nghiêm các gia đình vi phạm chính sách dân số, nên người dân thì vẫn cứ sinh, mà chính quyền thì vẫn không thu được đồng nào vào nguồn quỹ của địa phương.
Với những quan niệm, tập tục lạc hậu, và những ràng buộc giáo lý chưa phù hợp với xu thế phát triển của xã hội; sâu xa hơn là chưa có những chế tài cụ thể xử lý tình trạng vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ; nhiều vùng quê ven biển của Nghệ An vẫn đang loay hoay với bài toán: Sinh dày, sinh đông, nghèo đói, thất học và lạc hậu… Đó là cái vòng luẩn quẩn bám riết bao đời nay, từ thế hệ này đến thế hệ khác…
Những tưởng lạc hậu, nghèo đói chỉ là vấn đề nóng ở miền núi, vùng cao nhưng ở miền xuôi, ngay ở các làng quê ven biển này, vẫn còn rất nhiều câu chuyện buồn như thế…
(Hoa Mơ)