Hiến máu cứu người – nghĩa cử cao đẹp
Ở nước ta, việc hiến máu tình nguyện cũng đã diễn ra từ khá lâu. Ngày 07/04/2000, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định lấy ngày này là ngày toàn dân hiến máu tình nguyện. Ngày 07/04/2005, trong thư gửi đồng bào cả nước, Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhấn mạnh: “Tôi hết sức cảm phục và nhiệt liệt biểu dương những người đã tình nguyện hiến một phần máu của mình để cứu sống người bệnh. Đặc biệt là những người đã hiến máu nhiều lần và vận động nhiều người hiến máu”.
Anh Nguyễn Văn Thái ở xóm 5, xã Nghi Phương, Nghi Lộc mang trong mình một chứng bệnh nan y, bệnh suy tuỷ. Để có thể duy trì sự sống, mỗi tháng, anh Nguyễn Văn Thái cần phải chuyền thêm vào người từ 3 đến 5 đơn vị máu, nghĩa là khoảng trên dưới 1000ml máu. Đều đặn suốt hơn 5 năm nay, anh đã được tiếp nhận số lượng máu theo đúng phác đồ điều trị của các bác sĩ. Đó là điều kiện duy nhất để anh có thể qua cơn tử nạn.
Đó chỉ là một trong số hàng nghìn bệnh nhân đang từng ngày, từng giờ cần được tiếp thêm máu để điều trị bệnh. Và nguồn vật chất vô giá ấy chỉ có thể được bổ sung khi mỗi người chúng ta có nghĩa cử cao đẹp - hiến máu tình nguyện.
Cuộc sống của loài người luôn đối diện với những hiểm hoạ, thách thức khó có thể lường trước. Đó là những hiểm hoạ do thiên tai; hiểm hoạ do rủi ro, bệnh tật... Và khi phải đối diện với những vấn đề này, rất nhiều người phải cần đến sự can thiệp của y học, trong số đó có những người cần được cứu chữa nhờ loại thuốc đặc biệt là máu.
Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, ở các nước đang phát triển và chậm phát triển, nơi dịch vụ y tế, dịch vụ truyền máu đang còn nhiều khó khăn và hạn chế, số lượng người tử vong do không được truyền máu kịp thời có tỷ lệ rất cao. Việt Nam không nằm ngoài những con số thống kê đó. Thực tế cho thấy, ở nước ta, các tỉnh thành lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, tỷ lệ người tử vong do không được truyền máu kịp thời chiếm tỷ lệ thấp hơn so với các tỉnh thành khác. Điều này xuất phát từ 2 lý do, thứ nhất, ở những thành phố lớn, dịch vụ y tế thường tốt hơn, thứ 2, tại những địa bàn này, số lượng máu dự trữ ở các bệnh viện nhiều hơn những tỉnh thành khác - cho thấy phong trào hiến máu tình nguyện nơi đây khá phát triển.
Nghệ An là một trong những tỉnh có dân số đông (trên 3 triệu người), lại là một tỉnh nghèo, thường xuyên phải đối diện với thiên tai, hiểm hoạ, dịch bệnh. Do vậy, lượng máu bổ sung, dự phòng cho các bệnh viện là hết sức cần thiết. Trong khi nhu cầu máu cứu chữa người bệnh ở các trung tâm y tế, bệnh viện chiếm 2% dân số thì hiện tại ở Nghệ An, lượng máu hàng năm các bệnh viện thu nhận được chỉ đạt 0,2% (bằng 6.000 đơn vị máu). Theo tính toán của ngành y tế tỉnh Nghệ An, số lượng máu này chỉ đáp ứng được việc cứu chữa cho bệnh nhân không tử vong vì thiếu máu. Như vậy đây là một thực trạng đáng báo động.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lượng máu dự trữ, những năm gần đây, UBND tỉnh Nghệ An đã chủ trương phát động mạnh mẽ phong trào hiến máu tình nguyện, chỉ đạo các cơ sở y tế và Hội chữ thập đỏ phối hợp tuyên truyền sâu rộng trong toàn dân. Hoạt động này bước đầu đã thu được một số kết quả nhất định. Bằng chứng là số lượng máu dự trữ ở các bệnh viện đã bắt đầu tăng lên. Tuy nhiên, con số này chưa phải là nhiều. Như vậy, việc tiếp tục tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng tham gia hiến máu tình nguyện là điều rất cần thiết.
Lâu nay, do nhận thức chưa đầy đủ về việc hiến máu nên hầu như mọi người còn khá ngần ngại trong việc đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện. Bởi có một thực tế là rất nhiều người lo sợ khi thấy bản thân mất đi một lượng máu nhất định. Tuy nhiên, y học đã chứng minh, việc hiến máu theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ hoàn toàn không có hại cho sức khoẻ. Hơn thế, đằng sau việc hiến máu của mình, mỗi người đã góp phần cứu giúp đồng loại trong khó khăn, hoạn nạn. Đó là một nghĩa cử thể hiện đạo lý “người trong một nước phải thương nhau cùng” của dân tộc ta.
Việc tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện ở Nghệ An trong những năm gần đây diễn ra sâu rộng trong các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội, đặc biệt là trong giới học sinh, sinh viên. Trên thực tế đã có người tham gia hiến máu nhiều lần và vận động nhiều người tham gia hiến máu, họ là những người dân bình thường trong cả nước, tình nguyện tham gia hiến máu cứu người. Một trong những tấm gương tiêu biểu cho phong trào tham gia hiến máu tình nguyện trong giới học sinh, sinh viên ở Nghệ An là em Ngô Thuỳ Linh, sinh viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Vinh. Chưa đầy 3 năm theo học tại trường, Ngô Thuỳ Linh đã có tới 5 lần tham gia hiến máu.
Những tấm gương hiến máu tình nguyện như sinh viên Ngô Thuỳ Linh thật đáng biểu dương. Bằng trái tim nhân hậu đầy tình thương của mình, Linh đã góp phần cứu chữa cho nhiều người bệnh, đem lại cuộc sống cho họ, mặc dù có thể em và người bệnh chưa hề được nhìn thấy nhau.
Nhận thức đúng đắn và sâu sắc về việc hiến máu tình nguyện của cộng đồng là cơ sở để các trung tâm y tế có thêm một liều thuốc vô giá trong việc cứu chữa cho bệnh nhân. Chính vì vậy, song song với công tác vận động tham gia hiến máu tình nguyện, Nghệ An đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Ngày 07 tháng 04 năm 2009, ngày toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện, Điểm hiến máu cố định và tư vấn sức khoẻ đầu tiên đã được thành lập tại trường Đại học Vinh. Ngay trong ngày đầu mở cửa, điểm hiến máu tình nguyện đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của đông đảo sinh viên trường Đại học Vinh, và bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh đã thu nhận được hơn 100 đơn vị máu. Như vậy, có thể thấy, để công tác vận động tham gia hiến máu tình nguyện đạt kết quả tốt, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền là rất cần thiết.
Khi phong trào hiến máu tình nguyện được xã hội hoá, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, thiếu máu cho điều trị sẽ không còn là nỗi lo nếu mỗi người khoẻ mạnh sẵn sàng chia sẻ những giọt máu quý giá của mình, vì tính mạng của đồng loại.
Mỗi ngày, các cơ sở y tế ở Nghệ An lại tiếp nhận và cứu chữa cho thêm rất nhiều bệnh nhân, trong đó có những người rất cần có máu để qua cơn hoạn nạn. Người bệnh đang rất cần, rất cần ở chúng ta một sự cảm thông và giúp đỡ - “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Hãy thể hiện đạo lý “thương người như thể thương thân” của người Việt Nam bằng một nghĩa cử cao đẹp - Hiến máu tình nguyện!
(Ngọc Dũng)