Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt kêu cứu!
Khu BTTH Pù Hoạt có diện tích gần 68.000ha, thuộc hai huyện miền núi Quế Phong và Quỳ Châu tỉnh Nghệ An. Đây là khu vực bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật đa dạng, phong phú với nhiều loài đặc hữu, được ghi vào sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Với những đặc điểm đó lẽ ra khu bảo tồn này cần được bảo vệ nghiêm ngặt, vậy nhưng, gần đây khu bảo tồn này đã bị băm nát bởi 7 dự án xây dựng nhà máy thuỷ với các quy mô lớn nhỏ khác nhau.
Việc xây dựng các nhà máy thuỷ điện này đã và đang ảnh hưởng đến sự đa dạng của khu bảo tồn thiên nhiên. Qua khảo sát thực tế cũng như phản ánh của người dân thì một diện tích rừng rất lớn đã bị chặt phá để làm đường, xây dựng nhà máy, đặc biệt là việc chặn dòng tích nước của các nhà máy thuỷ điện đã biến nhiều dòng sông suối trong Khu BTTN trở nên cạn kiệt. Những dòng sông trong xanh, hiền hòa bao đời là nguồn mạch của đời sống bản làng giờ chỉ còn là ký ức. Chị Lương Thị Ngân, xã Nậm Giải cho biết: Trước đây dòng Nậm Giải nhiều tôm cá lắm, nhà gần sông nên ngày nào cũng ra sông bắt con tôm, con cá về ăn. Giờ họ xây thuỷ điện không còn tôm cá nữa bởi mùa mưa thì nước lũ cuồn cuộn, mùa khô thì sông cạn trơ đáy…
Thác Sao Va - một thắng cảnh thiên nhiên đẹp nổi tiếng xứ Nghệ đang đứng trước nguy cơ xóa sổ, nhường chỗ cho các dự án thủy điện |
Việc xây dựng ồ ạt các nhà máy thuỷ điện còn uy hiếp trực tiếp sự sống còn của hệ thống những hang động, các thác nước đẹp trong Khu BTTN Pù Hoạt. Điển hình như Thác Sao Va, một thắng cảnh thiên nhiên đẹp nổi tiếng xứ Nghệ đang đứng trước nguy cơ biến mất. Nguyên nhân là năm 2006 người ta tiến hành xây dựng nhà máy thuỷ điện Sao Va (3MW) cách thác về phía thượng nguồn khoảng 1,5km. Khi thuỷ điện này tích nước thì các dòng sông suối cung cấp nguồn nước cạn khô, thác Sao Va trở thành “thác chết”. Là một người dân nhiều năm sống và gắn bó với với dòng thác Sao Va, ông Sầm Nga Di không khỏi lo lắng: Thác Sao Va xưa nước chảy ầm ầm, nay trơ mặt đá, cá tôm đâu hết...
Không chỉ phá vỡ sự đa dạng sinh học của khu bảo tồn thiên nhiên, việc cấp phép xây dựng các nhà máy thuỷ điện một cách ồ ạt trong Khu BTTN Pù Hoạt còn ảnh hưởng đến không gian văn hoá cũng nhừ đời sống của hàng ngàn hộ dân ở Quế Phong và Quỳ Châu. Bà Lang Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cũng nóng ruột: Quá nhiều nhà máy ở đây đã ảnh hưởng đến đời sống của bà con, những điểm du lịch trước đây chưa chặn dòng thì có nước, bây giờ thì đục ngầu, khách du lịch giảm hẳn, bà con muốn vui chơi cũng phải tìm chỗ khác…
Trong khi ngân sách địa phương chưa thu được là bao từ thủy điện, tình trạng khô hạn, lũ lụt đang xảy ra ngày càng nhiều hơn, gây nguy hiểm dến cuộc sống của người dân và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp -vốn là ngành kinh tế xương sống của những địa phương này. Bà Lang Thị Hồng – Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết thêm: Mấy năm gần đây, Quỳ Châu bị lũ lụt lớn, trước đây, 10 năm 20 năm mới có trận lũ lịch sử, bây giờ thì năm một, tài sản ruộng đồng ngập hết…
Dòng sông Nậm Giải giờ trơ đáy bởi nước "dành" cho thủy điện |
Chắc hẳn đến bây giờ, trận lũ quét kinh hoàng năm 2007 vẫn còn ám ảnh nặng nề người dân xã Nậm Giải, huyện Quế Phong. Chỉ sau một đêm, 13 mạng người cùng nhiều tài sản, nhà cửa ở Bản Pục, Bản Méo bị cuốn theo dòng lũ giữ…
Lý giải nguyên nhân dẫn đến 7 dự án thuỷ điện được cấp phép xây dựng trong Khu BTTN Pù Hoạt, ông Bùi Xuân Hùng - Trưởng Phòng Quản lý điện năng Sở Công thương Nghệ An cho rằng: Việc cấp phép xây dựng 7 dự thuỷ điện nằm trong Khu BTTT Pù Hoạt không ảnh hưởng gì, nó cũng như những công trình bình thường khác, trong khu bảo tồn không đầu tư là phi lý, sao cứ nặng nề vào thuỷ điện, không làm thì nước nó chảy đi cũng lãng phí...
Nghệ An là dải đất hẹp, lại dốc và ngắn nên việc giữ nước, tích nước để xây dựng nhà máy thuỷ điện là việc làm cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi khi một nhà máy thuỷ điện đi vào hoạt động sẽ kéo theo sự thay đổi dòng chảy của cả một con sông, môi trường sinh thái cũng thay đổi, nguy cơ phá vở sự cân bằng của hệ sinh thái là rất lớn.
Một Khu BTTN phải gồng mình “cõng” 7 nhà máy thuỷ điện, hệ quả tất yếu là hệ sinh thái tại Pù Hoạt đang cạn kiệt dần theo thời gian. Câu chuyện phát triển thuỷ điện theo kiểu “ăn xổi” ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt xem ra là bài đắt giá cho các địa phương khác khi triển khai các dự án thuỷ điện.
(Hữu Đức)